Ngót 30 năm lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế (1884 - 1913), ông là nỗi khiếp đảm cho thực dân Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề... Ít ai biết được người con gái của “hùm thiêng Yên Thế” lại có một số phận kỳ lạ.
Người con gái đó có tên Hoàng Thị Thế (1901 - 1988), là con của Đề Thám với bà vợ thứ ba tên Đặng Thị Nho (còn gọi là bà Ba Cẩn). Đề Thám hơn bà Nho 18 tuổi, ông lấy bà khi bà chưa đầy đôi mươi. Bà là con dòng dõi nhà nho, tài sắc vẹn toàn, biết cưỡi ngựa và sử dụng vũ khí. Sau này bà trở thành nữ tướng trong nghĩa quân Yên Thế, một chỗ dựa vững chắc của Đề Thám. Bà sinh hạ cho ông ngoài cô con gái tên Thế còn có một người con trai tên Hoàng Văn Vi (còn gọi là Phồn, sinh năm 1908).
Những bức ảnh thời thơ ấu
Đầu thế kỷ 20, nhà nhiếp ảnh Pháp Pierre Dieulefils có cơ hội đi chụp ảnh nhiều nơi. Trong số 4.800 tấm bưu ảnh ông chụp về đề tài Đông Dương, có một loạt ảnh về cuộc khởi nghĩa Yên Thế được đánh số từ 3300 - 3354 (tức 54 bức ảnh). Trong loạt ảnh này, cô Hoàng Thị Thế có mặt trong 4 bức. Bức đầu tiên (mã số 3300, chụp ở Phồn Xương, Bắc Giang), cô bé Thế đứng bên phải cha (Hoàng Hoa Thám), ông ôm nhẹ vai cô trong tư thế đầy yêu thương, che chở. Trong ảnh, ngoài cô bé Thế còn có 3 người con của Cả Trọng (con đầu của Hoàng Hoa Thám với vợ lớn) cùng với một lính cai. Ở bức ảnh thứ hai (mã số 3341, chụp ở Nhã Nam, Bắc Giang), cô bé Thế đứng ở hàng đầu cùng với các thủ lĩnh Cả Rinh, Cai Sơn (2 con nuôi của Đề Thám) và khoảng hơn 40 nghĩa quân đứng xếp hàng trướng một ngôi nhà lớn lợp ngói. Tư thế của cô bé Thế (nhỏ nhất trong hàng quân) rất hiên ngang, kiêu hãnh - đáng mặt ái nữ của thủ lĩnh Đề Thám. Ở 2 bức ảnh khác (mã số 3334 và 3354), cô bé Thế (8 tuổi) cùng với mẹ là bà Đặng Thị Nho bị quân Pháp bắt được ở 2 nơi khác nhau, và đưa về Nhã Nam chụp hình chung vào ngày 1.12.1909.
Về trường hợp bị giặc Pháp bắt, thông tin từ hồi ký của cô Hoàng Thị Thế sau này cho biết: Ngày 17.11.1909, Đề Thám cùng tàn quân về đến Yên Thế thì quân của Tiểu đoàn trưởng Bonifacy cũng kéo đến bao vây Nhã Nam. Quân Pháp tăng cường khủng bố, làm cho sự tiếp tế bị tê liệt... Ngày 1.12, bà Ba Cẩn bị Pháp bắt được gần đồn chợ Gồ. Hôm sau, Đề Thám dẫn 5 nghĩa quân đi cứu bà thì lọt vào ổ phục kích. Một nghĩa quân hy sinh, nhưng Đề Thám chạy thoát được. Ngày 24.2.1910, bà cùng 78 nghĩa quân bị mang về giam ở Hỏa Lò rồi bị án đày sang Guyane (Nam Mỹ). Dọc đường, bà bị bệnh lao và mất ngày 25.11.1910.
|
Người con gái duy nhất của Đề Thám lúc đó mới 8 tuổi. Khi đồn Phồn Xương bị vỡ, người chị dâu (vợ Cả Huỳnh - con nuôi Đề Thám) cõng cô đi lánh nạn thì cả hai bị Pháp bắt. Cô bé được đưa ngay về Nhã Nam cho mật thám Alfred Bouchet như một món chiến lợi phẩm đáng giá.
Cái tát dành cho “cố nhân”
Vì thương con gái bé bỏng của chủ tướng mà Cai Mễ, một nghĩa quân già, đã đến gặp Bouchet xin hàng chỉ với một điều kiện là được trông nom cô Thế (Alfred Bouchet là một tên mật thám rất gian giảo, thạo tiếng Việt và chữ Hán. Sau này, trong hồi ký, cô Hoàng Thị Thế đã viết về y như sau: “Lợi dụng thời kỳ hòa hoãn, Bouchet thậm thọt ra vào chỗ chúng tôi ở để do thám. Có nhiều lần lại mang cả máy ảnh vào để chụp, nhưng chẳng bao giờ chúng chụp được ảnh mẹ tôi và anh Cả Trọng...”). Sau một thời gian được Bouchet giám hộ, cô Thế được đưa cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Albert Sarraut khi sang làm Toàn quyền Đông Dương (1911 - 1914) đã nhận cô làm con nuôi, đặt tên là Marie Beatrice Destham (do chữ Đề Thám) và đưa về Hà Nội cho đi học trường Tây. Đến năm 1917, cô Hoàng Thị Thế được đưa sang Pháp học nội trú tại Trường Jeanne D’Arc.
Năm 1925, sau khi đậu tú tài 1, cô được đưa trở lại Việt Nam và làm thủ thư tại Phủ Thống sứ Bắc kỳ. Thời gian này, cô có gặp lại “cố nhân” Alfred Bouchet (lúc đó đang làm Công sứ Hải Dương) và đã có cuộc trao đổi thú vị như sau: “Ôi, cô đúng là con gái của Đề Thám”. “Thế ông tưởng không phải à?”.“Ồ không! Nhưng cha cô không phải là người mánh khóe”. “Chính vì vậy các ông mới làm hại được cha tôi, nhưng với tôi, ông không cần phải nói nhiều. Tôi đã có kinh nghiệm và những kẻ xảo trá tôi có thể đánh hơi thấy chúng từ xa...”. Ông ta tức giận bỏ đi. Tôi khoái chí vì đã tát cho hắn một cái tát nhưng tôi còn có em trai Phồn và các cháu, tôi không muốn đi quá đà với hắn...” (trích hồi ký Kỷ niệm một thời thơ ấu). (còn tiếp)
Bình luận (0)