Tôi không biết nhiều về showbiz Việt Nam
* Xin chào chị Y Phụng, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào sau nhiều năm sinh sống ở Mỹ?
- Nghệ sĩ Y Phụng: Tổ nghiệp thương nên vừa sang Mỹ định cư được 6 tháng, tôi được gặp lại nhạc sĩ Trúc Hồ. Anh đưa tôi đến gặp chị Thy Vân (con gái của nhạc sĩ Anh Bằng) và sau một lần thử giọng thì chị ấy đã mời tôi cộng tác với dòng nhạc bolero. Thế là tôi được tiếp tục nghiệp diễn của mình, vậy nên, tôi luôn nhớ ơn nhạc sĩ Trúc Hồ và con gái nhạc sĩ Anh Bằng đã mở rộng vòng tay chào đón tôi.
* Hiện tại tình hình kinh tế đang khó khăn, công việc của chị ở Mỹ có bị ảnh hưởng nhiều không?
- Xưa nay tôi đều sống một cuộc sống bình thường nên dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến tôi. 17 năm định cư ở Mỹ, ngoài ca hát, tôi không làm thêm bất kỳ công việc gì. Nói chung, cuộc sống của tôi hiện tại rất ổn định.
* Khi nhìn vào sự phát triển của ngành giải trí Việt Nam hiện tại chị cảm thấy như thế nào? Có bao giờ chị cảm thấy tiếc nuối khi mình dừng hoạt động sự nghiệp ở Việt Nam để sang Mỹ định cư?
- Thật ra tôi không biết gì về showbiz ở Việt Nam. Những lúc rảnh rỗi, tôi thích vào rạp xem phim, show ca nhạc của những diễn viên, ca sĩ mà tôi yêu mến hoặc dành thời gian xem những vở nhạc kịch broadway. Đến khi tôi sinh em bé, mẹ sang Mỹ chăm sóc tôi và nhờ có mẹ nên tôi mới biết những gameshow truyền hình ở Việt Nam.
Theo tôi, ngành giải trí của Việt Nam bây giờ hay hơn trước rất nhiều vì các nhà sản xuất chịu đầu tư cho chương trình từ cách dàn dựng đến âm thanh, ánh sáng. Từ đó, nghệ sĩ có thể thoải mái hoàn thành tiết mục của mình chứ không còn khó như thời của chúng tôi. Khi xem chương trình, tôi thấy nhiều tiết mục hấp dẫn, lôi cuốn khiến tôi rất thích và thầm chúc mừng cho các bạn diễn viên ở thế hệ sau. Còn về phần tôi, tôi luôn suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định một chuyện gì đó, nhất là về sự nghiệp. Thế nên, tôi chưa bao giờ có cảm giác hối tiếc khi nghĩ về những chuyện đã từng trải qua, giai đoạn nào cũng có những điều tốt đẹp cả.
* Bây giờ, nhiều khán giả ở Việt Nam vẫn dành sự ngưỡng mộ cho diễn viên Y Phụng - biểu tượng gợi cảm một thời. Vậy thời gian đầu sang Mỹ, chị có bị hụt hẫng không khi không ai biết đến mình trong khi ở Việt Nam mình là diễn viên, ca sĩ nổi đình đám?
- Có thật không? Tôi cảm thấy rất vui khi biết về điều này. Tôi là người sống duy tâm nên tôi tin rằng nếu một nghệ sĩ sống biết trước, biết sau, có đạo đức với nghề và với đời thì sẽ được Tổ nghề ban phước để người đó luôn được khán giả yêu thương. Tôi còn nhớ những ngày đầu đến Mỹ, tôi đã nhận được lời mời hát ở hai casino lớn là Atlantic City và Pechanga. Tôi được mời vì bầu show biết tôi là diễn viên điện ảnh ở Việt Nam, và khi giới thiệu tôi được khán giả hải ngoại đón nhận nồng nhiệt bởi họ rất thích diễn viên ở Việt Nam. Trước đó, khi tôi còn sinh sống và hoạt động ở Việt Nam, tôi và nhiều nghệ sĩ cải lương khác cũng được mời đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Úc và 7 nước châu Âu. Còn về cuộc sống cá nhân, tôi chỉ hơi hụt hẫng ở giai đoạn đầu vì tôi phải sống một mình, tự làm mọi thứ mà không có người giúp việc như ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy đây là một chuyện tốt khi sống ở xứ người vì nó khiến tôi giỏi hơn trong việc quản lý cuộc sống và chăm sóc bản thân.
* Cách đây hơn 20 năm, mọi người có nhiều định kiến về việc ăn mặc gợi cảm, tuy nhiên chị đã quyết định đi theo phong cách này. Khi đó chị có phải nhận những lời phản đối từ gia đình và cách đối diện của chị với những lời đàm tiếu như thế nào?
- Lúc đó, tôi còn nhỏ quá nên không biết gì để vui hay buồn. Tôi học thể dục dụng cụ và ba lê từ năm 6 tuổi đến 10 tuổi, sau đó tôi tiếp tục học múa ba lê và thể dục nhịp điệu. Vì vậy, tôi đã quen ăn mặc quần áo của các bộ môn thể thao này nên không thấy khác gì. Điều khác biệt là khi lên sân khấu, tôi có đính thêm những viên đá để bộ trang phục trở nên lấp lánh hơn hoặc may thêm ở phần vai bằng vải kim tuyến để dễ bắt đèn sân khấu. Chỉ là thời điểm đó những ngôi sao ca nhạc không ai mặc đồ tập thể dục giống tôi lên sân khấu, vì thế tôi mới gây ấn tượng cho khán giả. Nếu như bây giờ thời gian có quay trở lại, tôi vẫn giữ nguyên hình ảnh đó của mình.
Mẹ tôi không ghen với nghệ sĩ Lệ Thủy, Mỹ Châu
* Đối với khán giả, nghệ sĩ Minh Phụng là một hoàng tử sân khấu, đồng thời là thần tượng của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. Vậy với chị, nghệ sĩ Minh Phụng trong ký ức của chị là người như thế nào?
- Ba tôi là người đẹp toàn diện, cả thanh sắc đều vẹn toàn. Ba là thần tượng của tôi trong sự nghiệp lẫn cách sống ở đời.
* Sinh ra và trưởng thành trong môi trường nghệ thuật, ba của chị có quá khắt khe trong việc rèn luyện kỹ năng sân khấu cho chị không?
- Tôi theo gia đình đi hát cải lương từ khi trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành nên những câu ca vọng cổ như một phần máu thịt của tôi. Từ những vai chính đến vai phụ, vai bi cho đến vai hài, những vai quân sĩ, tỳ nữ... tôi đều được xem trực tiếp ở sân khấu. Chính vì thế, cách diễn của ba mẹ, các cô chú nghệ sĩ trong đoàn ít nhiều cũng thấm vào máu của tôi. Nói thật, bộ môn nghệ thuật cải lương lạ lắm, những đứa trẻ là con cháu của nghệ sĩ đi theo đoàn hát đều sẽ tự biết hát, biết múa, biết cách hóa trang cho từng nhân vật mà không cần đến ba mẹ truyền dạy nhiều.
* Những nghệ sĩ ngày xưa luôn nhận được tình yêu mến của khán giả khắp nơi và cát sê được tính bằng cây vàng. Chị có được ba kể về câu chuyện này không ạ?
- Đúng rồi! Tôi nghe ba mẹ kể lại, thời của ba mẹ mỗi lần đi hát xa là các ông bầu show đến đặt cọc bằng vàng. Bầu show tiên phong đem vàng đến đặt cọc cho nghệ sĩ là ông bầu Hoàng Biếu, kế đến là bác ba Hoài Nhân (chồng của nghệ sĩ cải lương Kiều Hoa). Sau này có ông bầu Duy Ngọc và cậu ba Bầu Quới. Sau này đi hát, tôi cũng nhận thấy một điều rất là lạ ở khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật cải lương, đó là cách họ thể hiện tình cảm với những nghệ sĩ cải lương rất chân tình. Dù biết nghệ sĩ cải lương giàu, có nhà, có xe nhưng khán giả vẫn tặng tiền cho thần tượng của mình. Ngoài ra, nếu khán giả đã yêu thích tiếng hát, vai diễn của đào chính hay kép chính nào là họ sẽ im hằn sâu trong tâm trí. Dù người nghệ sĩ đó có 70 tuổi, khán giả vẫn chấp nhận xem tuồng đó chứ không chịu một nghệ sĩ trẻ tuổi khác thế vai.
* Nghệ sĩ Minh Phụng được mệnh danh là "hoàng tử sân khấu" và đóng cặp với nhiều nghệ sĩ nữ cũng như được khán giả nữ ái mộ. Khi đó, mẹ của chị phản ứng như thế nào?
- Nói đến kép chính Minh Phụng thì phải nhắc đến hai cô đào chính là nghệ sĩ Mỹ Châu và Lệ Thủy. Tổ nghề đã gieo duyên cho cả hai nghệ sĩ để họ diễn rất ăn ý và trở thành "người tình sân khấu" của ba tôi. Còn mẹ tôi là nghệ sĩ Kiều Tiên nên rất hiểu chuyện anh em trong nghề với nhau. Đồng thời, mẹ tôi còn là người em thân thiết của cô Lệ Thủy và cô Mỹ Châu từ khi chưa lấy chồng nên chắc chắn không có chuyện ghen tuông gì cả. Hơn thế nữa, má Lệ Thủy còn là thông gia với gia đình chúng tôi. Em gái của má Lệ Thủy là nghệ sĩ Lệ Thu gọi ba tôi bằng anh rể, còn tôi gọi cô ấy bằng thím tám.
* Nghệ sĩ thường phải đi diễn ở nhiều tỉnh thành, vậy ba chị có từng gặp một sự cố nào đáng nhớ trong sự nghiệp không, thưa chị?
- Là nghệ sĩ, lúc nào cũng có thể xảy ra sự cố nghề nghiệp. Ba có kể lại rằng khi ba đóng vai tráng sĩ trong tuồng kiếm hiệp sẽ có những cảnh bay trên không để chiến đấu, lúc ba giậm chân ra hiệu thì người trong hậu đài kéo dây để ba bay lên. Tuy nhiên, hôm đó dây bị hư nên ba cứ giậm chân hoài mà không thể bay lên. Thế là ba và bạn diễn đổi vị trí, tráng sĩ vẫn đứng bên dưới để chiến đấu còn kẻ thù bay lơ lửng trên không trung. Đời nghệ sĩ có nhiều vui buồn trên sân khấu, và sân khấu cũng là nhà nên duyên số gắn kết với nghiệp cầm ca rồi, khó ai có thể từ bỏ được.
* Trước khi trở thành một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, ba của chị cũng từng có khoảng thời gian niên thiếu khó khăn. Chị có từng nghe ông kể về giai đoạn này?
- Những khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương đều biết cuộc đời gian khó của ba tôi. Lúc ba của tôi còn sống thường kể rằng ngày xưa gia đình của ba nghèo lắm, lại đông anh em nên không có chỗ ngủ. Thế là ba phải ra ngôi chùa trước hẻm ngủ với sư ông, ở trong chùa nhiều nên ba thuộc gần hết kinh kệ và tụng kinh giỏi lắm. 4 giờ sáng mỗi ngày, ba tôi mang theo rổ bánh mì đi khắp các con đường gần chợ thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) vừa rao vừa bán. Sau đó, ba về nhà phụ bà nội của tôi đem cá ra chợ bán. Ba thường hài hước nói rằng: "Chưa chắc mấy bà bán cá ngoài chợ làm cá sạch bằng ba đâu". Ngày đó, mỗi khi làm cá, ba cố ý ăn gian một chút thịt cá để đem về làm cá kho cho cả gia đình, thế là cả nhà có một bữa cơm ngon.
Vì thế sau khi thành danh, ba vẫn trân trọng những ngày tháng vất vả. Mỗi khi ba về các tỉnh miền Tây hát, thấy các em học sinh hay cụ bà bán vé số trên phà, ba tôi đều mua hết mà không cần biết tờ vé số đó đã xổ hay chưa. Ba thường nói với tôi mỗi lần nhìn thấy bé trai tầm 8 đến 10 tuổi đi bán về hoặc đi nhặt bóng tennis là ba nhớ về hình ảnh tuổi thơ của mình. Nếu ai đã nghe bài Tân cổ nghèo thì đó chính là tâm sự cuộc đời của ba tôi đó.
* Đối với chị, tài sản quý giá nhất mà nghệ sĩ Minh Phụng để lại cho chị là gì?
- Đó là bàn thờ tổ và hào quang sân khấu. Hai thứ này là những điều tuyệt vời nhất của ba dành tặng cho tôi. Tôi dùng hai chữ hào quang là vì tôi đã theo nghệ thuật gần 30 năm nhưng đến giờ phút này tôi vẫn còn khán giả yêu thương đón nhận. Còn một lời hứa với ba mà tôi luôn giữ gìn, đó là không quên cội nguồn. Tôi xuất thân từ cải lương thì phải hát cải lương, vì vậy, tôi đã thực hiện được hai vở tuồng cải lương vang danh ngày xưa của ba tôi kết hợp những cô chú đồng nghiệp. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện những video cải lương kế tiếp và sẽ công chiếu trên trang YouTube của mình.
* Cảm ơn những chia sẻ của diễn viên Y Phụng!
Bình luận (0)