Con gái võ sư gốc Việt thành vũ công hàng đầu nước Pháp

08/05/2016 08:00 GMT+7

Sự kiện vũ công hàng đầu của Pháp Anne Nguyễn tới VN vào những ngày đầu tháng 5 được chú ý hơn bởi đó là một cô gái gốc Việt.

Lần đầu tiên tới VN - quê hương của cha, Anne Nguyễn, 38 tuổi, đã có chuyến hành trình dọc khắp 3 miền đất nước: TP.HCM - Huế - Hà Nội để trình diễn, làm ban giám khảo và giảng dạy.
Tìm về cội rễ
Anne Nguyễn hiện đang là một trong những vũ công, biên đạo hàng đầu tại Pháp. Cô là nghệ sĩ tiên phong tạo ra những kỹ thuật nhảy mới, kết hợp giữa hip hop và múa đương đại. Năm 2005, cô thành lập vũ đoàn Compagnie par Terre với tham vọng tạo cho hip hop - nghệ thuật đường phố một vị trí xứng đáng hơn trong nền nghệ thuật đương đại. Hiện nay, Compagnie par Terre là một trong số ít những vũ đoàn nổi tiếng ở Pháp. Với tài năng và những đóng góp cho nền nghệ thuật đương đại, Anne Nguyễn đã được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ văn học nghệ thuật Pháp vào năm 2015. Thành công đang mỉm cười với cô gái vũ công có mái tóc đen và dáng người bé nhỏ “rất Việt” này. Nhưng chỉ 10 năm trước đây, cái tên Anne Nguyễn vẫn gần như là vô danh.
Sau chương trình biểu diễn tại Huế, TP.HCM và Hà Nội (vào tối ngày 6.5), Anne Nguyễn cùng vũ đoàn Compagnie par Terre tiếp tục chuyến lưu diễn tại Đông Nam Á gồm các nước: Indonesia, Malaysia, Myanmar.

“Thời điểm thành lập vũ đoàn rất khó khăn với tôi. Khi đó, tôi chưa được nhiều người biết tới và nhìn nhận khả năng. Tôi làm việc không công, không có tiền để nuôi nổi bản thân mà phải nhờ vào sự hỗ trợ của cha mẹ”, cô chia sẻ. Năm 2007, Anne Nguyễn mới thực hiện được chương trình biểu diễn solo đầu tiên với vở diễn có tên Racine Carrée (tạm dịch: Khối vuông cội rễ). “Tôi là một người con lai, bởi thế lúc nào trong sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn khát khao tìm về cội rễ của mình, biết được đâu là nơi mình thuộc về. Tôi là người Pháp hay là người Việt? Câu hỏi cứ đeo bám lấy tôi”, Anne Nguyễn nói.
Câu hỏi về cội nguồn, gốc rễ đã đưa Anne Nguyễn đến ý tưởng cho tác phẩm đầu tiên của mình. “Những nghi hoặc đó như một khối vuông “giam” tôi lại. Tôi muốn phá vỡ khối vuông ấy, để hiểu trong tôi là hai dòng máu đang chảy, cội rễ của tôi không có ranh giới của chủng tộc, màu da”, Anne Nguyễn lý giải. Chương trình biểu diễn solo đầu tiên của Anne Nguyễn bất ngờ giành được thành công lớn. Khi nghệ sĩ được công nhận tài năng, các nhà tài trợ tìm đến, chính phủ đã hỗ trợ cho nghệ sĩ và vũ đoàn. “Đó là những ưu ái của chính phủ Pháp dành cho nghệ sĩ để phát triển nghệ thuật”, Anne Nguyễn cho hay.
Trong những vở múa sau này, Anne Nguyễn cũng tiếp tục với những chủ đề về cội rễ, hay những mối quan hệ giữa người với người. “Con người ngày càng có nhiều những mối quan hệ, nhưng họ càng lúc càng ít đi những mối quan hệ thân thiết. Sợi dây gắn kết giữa những mối quan hệ ngày càng lỏng ra”, cô bày tỏ.
Về với quê cha
Anne Nguyễn đã không khỏi bị xáo trộn với biết bao câu hỏi khi lần đầu tiên tới VN. Bởi bố của Anne Nguyễn, một người Đà Lạt, đã rất lo lắng cho con gái. “Bố tôi và gia đình di cư sang Pháp đã lâu. Trong ký ức của ông, VN là những hình ảnh của chiến tranh và đói khổ. Ông lo rằng tôi sẽ phải chịu thiếu thốn hay một người con lai như tôi khi trở về bắt gặp những ánh mắt kỳ thị, không được chào đón”, Anne Nguyễn nói.
Anne Nguyễn Ảnh: NSCC
Anne Nguyễn Ảnh: NSCC
Gia đình của cô cũng chưa trở về VN trong suốt nhiều năm qua. “Nhưng tất cả suy nghĩ đó đã thay đổi. Bố tôi mỉm cười thật hạnh phúc khi tôi gửi cho ông xem những bức hình tôi chụp cùng những người dân, người bạn nơi đây. Cô con gái nhỏ của tôi được mọi người quan tâm chăm sóc, yêu thương. Ông đã nói với tôi rằng ông thực sự muốn được trở về, có mặt ở quê hương mình và hãnh diện về tôi”, cô tâm sự.
Bố của Anne Nguyễn là một võ sư. Từ nhỏ, cô đã được ông dạy cho nhiều thể loại võ thuật, trong đó có Việt võ đạo của VN. “Văn hóa Việt và những triết lý của võ thuật Việt đã ngấm vào tôi một cách tự nhiên như thế. Và thật thú vị là những động tác võ thuật này đã ảnh hưởng tới tôi trong việc sáng tạo ra những kỹ thuật múa mới để khiến tôi đạt được thành công như hiện tại”, cô cho hay.
Dù phải mất một khoảng thời gian khá dài để cô có thể trở về quê hương của cha, nhưng chưa khi nào cô cảm thấy VN là đất nước xa cách với mình. “Đó là nhờ những món Việt mà ngày nào bố tôi cũng nấu cho cả gia đình. Tôi sẽ trở về Pháp, lại được ăn những bữa cơm đầm ấm như thế và nói với bố tôi rằng: con rất tự hào khi mọi người nói chuyện bằng tiếng Việt với con! Ở đây, tôi còn được gặp những người vũ công trẻ của VN. Một số người đã đạt được kỹ thuật, trình độ tương đương với thế giới. Tôi đã nghĩ đến ý tưởng thực hiện một dự án để hỗ trợ cho những con người trẻ tuổi tài năng ấy”, Anne Nguyễn nói với giọng thật vui.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.