Nhiều bạn đọc lo lắng trước những biểu hiện bất thường của con cái; đôi khi họ có cảm giác như bất lực trong việc điều khiển hành vi của con... Đó là những diễn biến tâm lý ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình nhỏ.
Để giúp các bố- mẹ hiểu những biến đổi tâm lý của con cái, từ đó sẽ có cách ứng xử phù hợp, tích cực hơn, chuyên trang Nhịp sống miền Trung Báo Thanh Niên mở chuyên mục Yêu thương và chia sẻ định kỳ vào số báo thứ tư hàng tuần. Hy vọng chuyên mục sẽ là cầu nối với phụ huynh để góp phần hỗ trợ việc giáo dục hình thành nhân cách, tâm sinh lý của trẻ em.
* Con trai tôi năm nay 8 tuổi, đang học lớp 3. Gia đình rất lo lắng vì không hiểu sao bình thường con rất thông minh, nhanh nhẹn nhưng lại không thể nhớ bài học ở trường, lớp 3 rồi nhưng con không nhớ nỗi bảng cửu chương 4. Những lần dạy con học tôi thấy con hiểu ý rất nhanh nhưng khi hỏi lại thì không nhớ, học trước quên sau dù hai mẹ con đã ôn với nhau mấy tiếng đồng hồ. Chồng tôi mắng con “lười biếng” nhưng tôi lại nghĩ con không cố ý, con rất ngoan và chịu khó. Tôi thực sự băn khoăn không biết con có rối loạn gì? (Hồng Hạnh, Q.Hải Châu, Đà Nẵng)
|
- Chúng tôi cảm nhận được chị là một người mẹ rất thương yêu con và rất nỗ lực trong việc hỗ trợ con, tuy nhiên, dường như có lúc chị cảm thấy bối rối. Qua chia sẻ của chị, chúng tôi nhận thấy con có khó khăn trong việc ghi nhớ kiến thức, nhưng chúng tôi chưa thể đi đến kết luận gì ngay được. Bởi vì, có một số cháu, nguyên nhân gây chứng khó học có thể xuất phát từ di truyền và sự rối loạn chức năng não trong quá trình phát triển. Một số cháu khác là vì các yếu tố tâm lý.
Với trường hợp thứ nhất, nhiều phụ huynh chọn phương án đưa con đi kiểm tra về não để nhận biết về trí tuệ cho trẻ: trí tuệ trẻ bình thường (IQ>=90); Các giác quan (mắt, tai...) không bị khiếm khuyết; Não không bị tổn thương...
Với trường hợp thứ hai, có thể là vì trẻ gặp một số vấn đề như có sự sợ hãi, lo lắng liên quan đến gia đình, trường học, bạn bè, thầy cô giáo... ví dụ sợ đi học, sợ cô giáo gọi lên bảng; sợ bạn bè trêu chọc hoặc đã từng bị đe dọa ở trường; từng bị nhốt vào nhà vệ sinh; chịu đựng cảm giác xấu hổ...
Như vậy, để có thể hỗ trợ cho con, trước hết chúng tôi xin đề xuất về việc kiểm tra về mặt sức khỏe thể chất cho trẻ và sau đó cho trẻ được làm việc với các chuyên viên tâm lý để có thể chọn lựa cách phù hợp nhất hỗ trợ cho con. Tuy nhiên, cha mẹ là người quan trọng nhất trong việc giúp đỡ con mình, chúng ta có thể dùng những lời lẽ tình cảm, chân thành nhất với con, ví dụ: “Mẹ biết con khó khăn để nhớ bài, nếu mẹ không nhớ như con, mẹ cũng rất buồn, tuy nhiên, con có thể cố gắng từ từ cũng được. Hôm nay, con chỉ cần nhớ đoạn văn/ đoạn thơ này thôi”; “con làm xong một bài toán này, rồi chúng ta nghỉ ngơi...”. Hoặc động viên con: “có thể con bị các bạn chê cười, cô giáo than phiền... nhưng mẹ biết con cần thời gian để cố gắng, con cứ thư giãn”... Hoặc cha mẹ có thể viết, dán lên tường về vấn đề muốn con ghi nhớ, rồi thường xuyên nhắc lại một cách thoải mái.
Bình luận (0)