31 ngân hàng sẽ được tăng room tín dụng
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng (NH) tính đến ngày 28.8 là 6,63% so với cuối năm 2023, cao hơn 0,97% so với hồi tháng 7 (chỉ đạt 5,66% so với cuối năm 2023). Dù đã dương trở lại sau mức giảm của tháng 7 (cuối tháng 6 tăng 6,1%), thế nhưng mức tăng 6,63% vẫn chưa đạt được một nửa so với kế hoạch đề ra của năm 2024 là 15%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH đến nay còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng của các NH không đồng đều, có các NH tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm; trong khi một số NH tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo từ đầu năm. Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NH. Kể từ ngày 28.8, NH có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã giao thì chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng. Công thức điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thêm là dư nợ tín dụng ngày 31.12.2023 x điểm xếp hạng năm 2022 x 0,5%.
Theo số liệu công bố về tăng trưởng tín dụng của các NH trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng ở mức cao so với cuối năm 2023, như LPBank (tăng 15,2%), Techcombank (14,2%), ACB (12,8%), HDBank (12,6%), MSB (10,7%), Nam A Bank (10,7%), MB (10,3%), VPBank (10,2%), VietBank (10,2%), KienlongBank (10%), Vietcombank (7,8%), Eximbank (7,7%), Sacombank (7%), Vietinbank (6,7%)…
Với tỷ lệ tăng trưởng này, tín dụng của một số NH tăng trên mức 80% chỉ tiêu được giao (chẳng hạn như Vietcombank đạt 96% kế hoạch) sẽ được tự điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Theo nguồn tin riêng, trong đợt này có 31 NH và 1 công ty tài chính được tăng hạn mức tín dụng so với chỉ tiêu NHNN giao hồi đầu năm.
1,135 triệu tỉ đồng khó hấp thụ trong 5 tháng cuối năm
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, hệ thống NH sẽ phải bơm ra nền kinh tế 2,035 triệu tỉ đồng trong năm 2024. Thế nhưng 8 tháng qua, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỉ đồng. Như vậy, hệ thống NH sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn còn lại 1,135 triệu tỉ đồng trong 5 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỉ đồng. Mức tăng trưởng này gấp đôi so với những tháng đầu năm nên đây là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành NH.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do NHNN thực hiện, trong quý 1/2024, các NH kỳ vọng tỷ lệ tín dụng năm 2024 đạt 14,2%, nhưng đến quý 2/2024 thì con số này xuống còn 13,6%, thấp hơn mục tiêu đưa ra. Các NH cũng cho rằng trong năm 2024, rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng, trong đó 2 lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất vẫn là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, trong các tháng còn lại của năm, hệ thống NH sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nhưng vẫn kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, không lạc quan lắm với việc bơm 1,1 triệu tỉ đồng còn lại cho 5 tháng cuối năm. Hồi đầu năm nay, ông Hiếu kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt 15%, nhưng đến thời điểm này ông thừa nhận "rất khó". Bởi tình hình sức khỏe doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa có điểm bứt phá, điều kiện kinh tế thế giới cũng chưa khả quan, nên không cần thiết phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Bởi một lượng vốn tín dụng lớn đẩy nhanh trong một thời gian ngắn, tức mức bình quân tín dụng mỗi tháng cuối năm tăng gấp đôi so với những tháng đầu năm, sẽ dễ gây ra tình trạng lạm phát, dòng vốn chảy vào các kênh đầu cơ như vàng, bất động sản…
Việc điều chỉnh hạn mức tín dụng của các nhà băng, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cũng là minh chứng cho việc đã đến lúc bỏ quản lý tín dụng bằng hình thức cấp hạn mức. Nhiều năm trước đây, các NH tăng trưởng tín dụng khá mạnh, có nơi trên 50% bởi NH nào tăng trưởng tín dụng cao thì lợi nhuận cũng nhiều. Thế nhưng những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng hết sức khó khăn, không phải muốn tăng là tăng.
"Vấn đề ở đây là việc kiểm soát tín dụng dựa vào các chỉ số, chỉ tiêu buộc NH phải đáp ứng. Chẳng hạn, NH tăng trưởng tín dụng làm sao vẫn đảm bảo an toàn vốn với tỷ lệ 8%, đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn 80%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, cũng như kiểm soát tỷ lệ cho vay của các bên liên quan… Chính vì vậy, NHNN cũng không cần quản lý hành chính theo hình thức cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các NH", ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng nếu dồn chạy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm như đã xảy ra năm 2023 thì sẽ lặp lại tình trạng tín dụng tăng trưởng âm vào những tháng đầu năm sau. Mức tăng trưởng tín dụng như vậy là không ổn. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay thì nhu cầu vốn của doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa cao; đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vì vậy cũng không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Việc điều tiết hạn mức tín dụng từ NH không cho vay được sang NH đang tăng trưởng tốt là đi gần với thị trường, thể hiện năng lực tăng trưởng tín dụng của mỗi nhà băng khác nhau nên cũng có mức tăng khác nhau. Dù là biện pháp hành chính nhưng việc bỏ cấp hạn mức tín dụng đối với NH cần phải có lộ trình cụ thể. Bởi các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay chưa hiệu quả trong điều tiết thị trường (bao gồm dự trữ bắt buộc, thị trường mở, lãi suất điều hành của NHNN).
Ngoài việc điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, NHNN còn yêu cầu các NH tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay. Chấp hành các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ngoại hối, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu; tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, thẩm định chặt chẽ trước khi cấp tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát trước và sau khi cấp tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng.
Bình luận (0)