Hơn một năm sau khi đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt) vấp phải nhiều ý kiến phản đối, vừa qua, các phương án kiến trúc đồi Dinh của thành phố này được đem ra triển lãm tiếp tục khiến những người yêu Đà Lạt bức xúc.
Ở đồ án trên, đồi Dinh - nơi có mảng rừng xanh hiếm hoi còn sót lại và có tầm nhìn thoáng ngay giữa trung tâm thành phố - được quy hoạch thành khu thương mại, dịch vụ cao cấp, có cả cụm khách sạn 10 tầng với những chóp tròn từa tựa đền thờ Hồi giáo.
Tòa nhà Dinh tỉnh trưởng, một kiến trúc Pháp độc đáo, tuyệt đẹp đã tọa lạc nơi này hơn 100 năm nay, sẽ được “bứng” đi vị trí khác nhường chỗ cho cụm khách sạn. Khi đó rất nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ phương án quy hoạch này, bởi nếu thực hiện thì mảng xanh vô giá kia sẽ bị xóa bỏ, và khu trung tâm Đà Lạt nhìn từ trên cao xuống sẽ chỉ còn toàn những khối bê tông trần trụi vô hồn.
Với phương án kiến trúc đồi Dinh mới đang triển lãm, có cảm giác như Sở Xây dựng Lâm Đồng cùng UBND TP.Đà Lạt đang cố ý thử thách sự kiên nhẫn của những người yêu Đà Lạt. Không muốn di dời Dinh chứ gì!? Được, vẫn để Dinh ở đó! Muốn giữ mảng xanh chứ gì!? Được, sẽ còn một ít xanh!
Nhưng cả 3 phương án đều sẽ vẫn có quần thể khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại hoành tráng trên đồi Dinh mà nếu thực hiện thì quần thể này sẽ “nổi bần bật” giữa đất trời Đà Lạt, thay cho dinh thự cổ kính khiêm nhường dưới những tán cổ thụ.
Khôi hài hơn, 3 phương án kiến trúc đồi Dinh này được đưa ra chỉ sau buổi tọa đàm bàn cách xây dựng Đà Lạt trở thành một “đô thị di sản” vỏn vẹn 1 tháng. Khi tọa đàm được Sở Xây dựng Lâm Đồng tổ chức với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch tên tuổi, những người quan tâm tới Đà Lạt đã khấp khởi tin rằng đây là tín hiệu vui cho thấy các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng của Đà Lạt đã thực sự quan tâm tới việc gìn giữ những di sản của thành phố trong quá trình phát triển.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh tới việc cần bảo tồn các công trình kiến trúc và cả cảnh quan đã trở thành yếu tố đặc trưng và có giá trị lịch sử của Đà Lạt, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, không nên phá bỏ di sản cũ hay “xen cấy” công trình hiện đại vào đây, mà hãy quy hoạch công trình hiện đại ở những khu vực trung tâm mới.
Thế nhưng phương án thiết kế đồi Dinh đang triển lãm như một gáo nước lạnh dội vào tâm huyết của các kiến trúc sư: những đề xuất của họ đã hoàn toàn bị bỏ ngoài tai.
Cứ đà này, khi các di sản lần lượt bị xâm hại, phá bỏ nhằm phục vụ quyền lợi nhà đầu tư, “đô thị di sản” mà Đà Lạt đang hướng tới sẽ còn lại gì?
Bình luận (0)