"Siết" các sàn chui Temu, Shein, 1688…
Văn bản do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ký ngày 26.10 mới đây nêu rõ, thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại VN nhưng chưa đăng ký hoạt động. Đáng chú ý, các sàn TMĐT này đã nhanh chóng thu hút được người tiêu dùng trong nước. Bộ Công thương chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Cơ quan này cũng sẽ chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của VN, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ TT-TT có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định.
Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký…
Hàng dưới 1 triệu trên các sàn như Temu có thể bị đánh thuế GTGT
Theo chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa, việc đăng ký sàn TMĐT với Bộ Công thương khá đơn giản. Trường hợp sau khi đăng ký, được phép hoạt động mà chưa có công ty, văn phòng tại VN, các đơn vị này sẽ nộp thuế trực tiếp cho Tổng cục Thuế. Theo quy định hiện hành, các sàn Temu, Shein… sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 1% trên doanh thu tính thuế và thuế giá trị gia tăng (GTGT) 3%. "Các nhà cung cấp nước ngoài sẽ tự kê khai, tự nộp thuế nên VN khó kiểm soát hay đối chiếu được số liệu thực. Tuy nhiên việc đăng ký và nộp thuế là bắt buộc vì điều này là công bằng với các doanh nghiệp (DN) trong nước và tất cả quốc gia đều thực hiện. Việc kê khai và đóng thuế có thể thời gian đầu còn ít, nhưng qua các năm đều gia tăng, tương tự như số thuế mà các tập đoàn lớn Google, Meta, Apple… đã nộp", luật sư Trần Xoa nói.
Trong khi cơ quan quản lý vẫn đang tìm cách quản lý thì các chợ chui Temu, Shein, 1688… đã mang cả "cơn lốc" hàng giá rẻ đổ bộ VN, làm mưa làm gió suốt thời gian qua. Chị Nguyên Thanh (Q.1, TP.HCM) hơn 1 năm qua thường xuyên mua sắm qua sàn Shein, nhận xét dù không rẻ hơn trên sàn Shopee hay Lazada nhưng mua qua Shein có nhiều ưu điểm hơn. Cụ thể, giao diện trang web đơn giản, rõ ràng và cực kỳ bắt mắt. Người mua sẽ được giảm giá từ 12 - 30% tùy theo giá trị đơn hàng; phí giao hàng chỉ có 12.000 đồng; trong khi các sàn TMĐT khác phí cao hơn và khác biệt nhau, lộn xộn. Thậm chí Shein còn miễn phí vận chuyển nếu khách mua hàng vào chủ nhật… "Mua hàng trên các sàn trong nước thì thực tế khác xa quảng cáo, còn hàng của Shein 90% như hình ảnh, chất lượng đăng tải và 5% sản phẩm còn đẹp hơn cả hình minh họa. Hơn nữa, nếu mua quần áo thì có mô tả, đánh giá của khách hàng cực kỳ chi tiết về số đo cơ thể nên khách hàng dễ lựa chọn", chị Nguyên Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, dù Temu chỉ mới xuất hiện trong tuần đầu tháng 10 tại VN nhưng đã có hàng loạt chia sẻ, đánh giá và mua hàng của người dùng ở nhiều thành phố trên cả nước. Chị Lan Phương (Q.7, TP.HCM) vừa nhận đơn hàng gồm 19 món trên Temu. Trước khi đặt mua, chị đã khảo sát, so sánh về giá với rất nhiều sàn TMĐT khác. Trong số đơn hàng của chị có đến 14 món hàng rẻ hơn khá nhiều, 3 món tương tự các sàn khác và 2 món cao hơn. Ví dụ, một bộ kim đan len trên Temu chỉ có 287.000 đồng, trong khi sàn rẻ nhất là giá 400.000 đồng; hay cuộn giấy lau bếp giá 40.000 đồng cho 400 tờ, trong khi các sàn khác cùng giá 40.000 đồng thì số lượng chỉ 200 tờ… Hơn nữa, chị còn thử tính năng trả lại một số món hàng và Temu vẫn đồng ý hoàn lại tiền nhanh chóng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều người đã giao dịch, thử giao dịch và đến giờ cũng mới biết, các sàn này chưa hề đăng ký hoạt động tại VN. Hay nói cách khác, các chợ mạng này đang hoạt động chui.
Lỗ hổng thuế và nỗi lo cạnh tranh không lành mạnh
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng hoạt động TMĐT đã bùng nổ mạnh khiến hàng hóa trong nước bị cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, quy định hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT theo Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ là một lỗ hổng để hàng hóa giá rẻ ồ ạt vào VN. Cách đây vài tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc đến điều này và đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để có thể mở rộng và bao quát nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, các bộ, ngành cần xem xét, triển khai áp dụng các quy định khác trên tinh thần đảm bảo lợi ích của nhà nước, hoạt động sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng như hàng hóa phải an toàn, đảm bảo chất lượng…
"Những cái nào chưa có kinh nghiệm thì có thể tham khảo quốc tế. Có nhiều biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất, hàng hóa trong nước, từ hàng rào thuế quan đến các giải pháp kỹ thuật, ví dụ như quy định chống bán phá giá. Nếu hàng hóa tràn vào trong nước bán quá rẻ thì phải điều tra xem có bán dưới giá thành không, gây tổn hại cho DN cùng ngành như thế nào. Hay quản lý thị trường kiểm tra chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc… như thế nào. Cần có chương trình nghiên cứu khẩn trương những biện pháp ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua hoạt động TMĐT xuyên biên giới", PGS-TS Ngô Trí Long cho hay.
Đồng tình, luật sư Trần Xoa cũng cho rằng việc cần phải nhanh chóng bỏ quy định miễn thuế GTGT cho hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh để tránh thất thu cho ngân sách, tạo môi trường kinh doanh công bằng. Nhưng theo ông, cái gốc của câu chuyện này là hàng giá rẻ đang tràn vào VN thì các DN cũng sẽ đau đầu và buộc phải thay đổi, tìm nhiều cách để gia tăng sức cạnh tranh. Giả sử nếu như thu thuế GTGT 10% thì nhiều sản phẩm đang được bán giá 200.000 - 300.000 đồng thì tăng thêm chỉ 20.000 - 30.000 đồng cũng vẫn rẻ hơn nhiều so với hàng sản xuất trong nước. Đối với nhiều người tiêu dùng thì hàng hóa giá rẻ sẽ được lựa chọn đầu tiên. Đó là chưa kể các sàn liên tục khuyến mãi, giao hàng đúng cam kết... thì càng thu hút được khách hàng.
Các chuyên gia cho rằng các sàn TMĐT có rất nhiều vi phạm, cần phải mạnh tay xử lý để thị trường công bằng, minh bạch trong thời kinh tế hội nhập.
Theo số liệu của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3.2023, trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về VN. Với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng; hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop…
Bình luận (0)