Cơn lốc ly hương: Liều mạng vượt biên, đối mặt cái chết ở những mỏ vàng

28/01/2020 11:16 GMT+7

Vượt biên , với một số người lao động , là cách ít tốn kém nhất để bỏ quê, xuất ngoại tìm việc nhưng cũng là cách ngắn nhất để trở thành kẻ sống chui sống nhủi, không quyền công dân nơi đất khách, thậm chí đối mặt cái chết.

Liều mạng vượt biên

Quảng Trị, rẻo đất khốn khó của miền Trung, đã chứng kiến không ít vụ việc đau đớn về hệ lụy của những chuyến ly hương, vượt biên. Nhưng quê nghèo đất chật người đông, cuốc cày tứa cả máu tay vẫn không đủ ăn, nhiều người không còn lựa chọn khác...
Giấc mộng đổi đời nơi xứ người với lời hẹn của nhóm đầu nậu về một “việc nhẹ, lương cao” có một hấp lực khủng khiếp.
Đầu năm 2014 trời rét mướt, lực lượng biên phòng Quảng Trị đã bắt Phan Văn Quy (thời điểm đó khoảng 38 tuổi, trú TT.Cửa Việt, H.Gio Linh) và “khui” ra một đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép do Quy tổ chức.
Tổng cộng 26 người dân ở những làng biển Gio Hải, Trung Giang, TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) nghe theo lời rủ của Quy về một công việc ở Trung Quốc với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Chừng ấy con người chen chúc trên chiếc xe đò vượt hàng trăm cây số từ Quảng Trị đến biên giới Việt - Trung để vượt biên nhưng chỉ có 11 người chạy lọt với một hành trình chui rúc gian khổ.

Lực lượng biên phòng Quảng Trị thăm hỏi 1 nạn nhân bị đưa vào “động quỷ” tại Lào

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Tuy nhiên, khi sang đến nơi thì họ đã bị công an Trung Quốc truy quét gắt gao nên chưa làm việc được một tuần thì bị chủ đuổi về. “Tiền mất tật mang, đã thế còn phải sống trong tâm lý lo sợ như... chuột bọ. Từ nay thà ở nhà mà chài lưới qua ngày”, V. một trong những thanh niên đi theo Quy thời đó kể.
Nhưng hành trình của 26 con người ở làng biển Quảng Trị nêu trên vẫn còn may so với những người cùng cảnh ngộ khác. Ví như anh L.V.H (quê xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ), người từng liều mạng đi theo đường dây vượt biên sang Quảng Châu (Trung Quốc) làm bóng đèn. Sau 2 tháng nhận lương 8 triệu đồng/tháng, anh H. sớm bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ, đưa vào trại giam nhiều ngày trước khi thả về với Việt Nam với cam kết không bao giờ được trở lại nước này.
Nhưng “đi chui”, nguy hiểm nhất vẫn với phụ nữ bởi điểm đến của họ thường không phải là công trường, xí nghiệp mà là... nhà thổ. Tháng 10.2016, lực lượng biên phòng Quảng Trị từng phối hợp với cơ quan chức năng Lào giải cứu 2 thiếu nữ Q.T.T (13 tuổi, quê H.Quỳ Hợp) và C.T.S (17 tuổi, quê ở H.Kỳ Sơn, Nghệ An) trong “động quỷ” ở Lào do một bà chủ cũng là người Việt quản lý.

Gia đình anh Hồ Văn Văn (trú thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp, H.Đakrông) ngóng chờ tin anh trong đau đớn. Sau này, họ mới biết anh Văn đã chết ở xứ người

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Sau khi được giải cứu, cả T. và S. đều bị tổn thương nặng về thể xác lẫn tinh thần, trong đó S. đi phải đi cấp cứu, các bác sĩ phát hiện S. có thai ngoài buồng trứng và đã bị vỡ, nên bác sĩ phải cắt bỏ vòi trứng phía bên phải sát sườn tử cung. Những hậu quả này, bắt nguồn từ việc cả 2 tin lời “rao” sang Lào bán cà phê với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Bị hành hạ và đối diện với cái chết

Một năm sau cuộc đào thoát khỏi địa ngục trần gian là một bãi vàng ở huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam), Hồ Văn Hinh (21 tuổi, trú xã A Vao, H.Đakrông, Quảng Trị) vẫn chưa dám đi ra khỏi bản làng. Ký ức về một cuộc đọa đày nơi đất khách có thể sẽ đi theo suốt cuộc đời của chàng thanh niên này.
Chuyện rằng, đầu năm 2018, Hinh cùng 10 thanh niên khác ở xã A Vao và xã Tà Rụt (H.Đakrông) nghe theo lời của một người ở dưới xuôi lên, ngồi vào chiếc xe khách chạy thẳng vào xã Phước Thành (H.Phước Sơn, Quảng Nam). Điểm đến là một bãi vàng sâu trong rừng với lời hứa mức lương tròm trèm 6 triệu. Đó là số tiền “khủng” ở bản nghèo, nên họ đã ra đi...
Gần như ngay lập tức, 11 thanh niên này phải “vào guồng”. Ở bãi vàng, mỗi ngày họ phải làm việc quần quật nhiều ca (từ 5 - 11 giờ, từ 13 - 17 giờ, từ 17 - 23 giờ và từ 1 - 5 giờ). Ở đây, ngày nghỉ là điều xa xỉ, kể cả đó là lúc ốm đau. Ai tỏ “thái độ” thì đã có đám bảo vệ mặt mày bặm trợn đến “chăm sóc tận tình”... Nhiều người trong số họ đã bị đánh. Họ xin nghỉ việc thì bị khước từ.

PV Thanh Niên tiếp xúc với một gia đình vùng cao Quảng Trị, có con mất tích sau khi xuất khẩu lao động

ẢNH: THANH LỘC

Những phu vàng ở Đakrông may mắn được biên phòng tìm thấy tại Quảng Nam

ẢNH: THANH LỘC

Để thoát khỏi “địa ngục trần gian” họ đã chạy chân đất giữa rừng

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Những phu vàng được ăn uống chăm sóc tại đồn biên phòng sau khi được giải cứu

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Chịu không nổi, 11 người này đã cùng nhau bỏ trốn. Cả nhóm chạy băng thật nhanh xuyên qua những cánh rừng bằng đôi chân trần, áo quần rách tơi tả... Nhiều ngày đi trong rừng họ phải ăn lá cây, uống nước suối cầm cự, thậm chí còn lạc mất nhau trước sự truy đuổi gắt gao của chủ mỏ vàng. Phải đến khi có sự vào cuộc của lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Trị và ngành chức năng Quảng Nam thì hết thảy 11 người này mới được giải cứu, trở về với quê hương.
11 thanh niên người Vân Kiều đó dẫu sao cũng may mắn khi có cơ hội về bản làng mình, gặp lại những người thân thương. Bởi không ít người dân tộc thiểu số đã gặp nạn khi đi xuất khẩu lao động, kể cả theo diện chính ngạch. Lần đầu tiên bước ra khỏi bản làng, lại đến một nơi quá khác biệt về ngôn ngữ, họ như những người “câm điếc” không thể hòa đồng được với cuộc sống.
Tháng 10.2011, Thanh Niên đã ghi nhận trường hợp anh Hồ Văn Văn (trú thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp, H.Đakrông) tử nạn tại Malaysia sau khi được một đơn vị được cấp phép có trụ sở ở Hà Nội đưa sang nước này lao động. Hay trường hợp của Hồ Văn Diên (quê thôn Chân Rò, xã Đakrông) đi xuất khẩu lao động Malaysia từ năm 2010, gửi về nhà chỉ 10 triệu đồng và từ năm 2013 đến nay bặt vô âm tín, không rõ sống chết...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.