Ly hương từ khi 15 tuổi
Tôi vẫn thường nghe nhạc của Đen Vâu, có lần Đen Vâu hát: “Nếu mà mệt quá thì mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Tôi thích câu đó nhưng cuộc đời thì không thể giản đơn như một câu hát được, không thể nói bỏ thành phố là bỏ dẫu có mệt nhoài. Như cuộc đời của chị Phương.
Tôi gặp chị Phương lần đầu trong một nhà hàng trung tâm quận 1 (TP.HCM). Chị làm tạp vụ. Sáng sớm, ban trưa hay tối muộn chị đều ở đó, khi đông khách chị chạy bàn, khi vắng khách chị dọn dẹp, lau chùi, rửa chén.
Những ngày cuối năm, tôi ghé nhà hàng, giữa cái tất bật, nôn nao của tết, chị vẫn vậy, im lặng làm hết công chuyện của mình. Hỏi ra mới biết năm nay chị ở lại thành phố làm thêm. Ngày 26 tết nhà hàng nghỉ, chị qua trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc thời vụ, qua tết nhà hàng mở cửa, chị lại làm tiếp.
|
|
|
Chị Phương tên họ đầy đủ là Nguyễn Thị Sa Phương. Nhà chị có 6 anh chị em, mẹ chị mất năm chị 12 tuổi. Chẳng biết có phải vì tên “Sa Phương” không mà chị mưu sinh xứ người sớm quá, từ năm 15 tuổi.
Chị quê gốc ở Trà Vinh, dáng nhỏ người. 15 tuổi, chị theo mọi người trong xóm đăng ký với một trung tâm giới thiệu việc làm lên Bình Dương làm công nhân. Đến Bình Dương, mọi người được nhận cả, riêng chị vóc người nhỏ bé quá, công ty không nhận. Bà bán phở gần đó thấy thương, gọi về làm phục vụ. Vậy là cô bé 15 tuổi ấy ở Bình Dương ròng rã 8 năm.
Mẹ chồng thương phận con dâu mưu sinh xứ người
Chị kể những ngày đầu, ba ở nhà không liên lạc được cho con vì gọi đến công ty không thấy có, ba lo chị bị bắt cóc, còn nói trung tâm việc làm tìm chị về thì sẽ không báo công an. Những tháng ngày ấy, may mắn chị có được người chủ tốt bụng giúp đỡ.
Đến khi lấy chồng, chị theo chồng về quê ở Tiền Giang, từ đó đến nay có với nhau hai mặt con, đứa nhỏ 5 tuổi, đứa lớn 11 tuổi. Mười mấy năm chị làm dâu xứ người.
Ngày về làm dâu, mẹ chồng thương như con gái. Tôi ghé nhà chị, người mẹ chồng ấy kể chuyện đứa con dâu, nhớ con nơi phố thị. Bà vừa kể vừa khóc, bà thương con dâu cực từ bé.
Hôm chị Phương từ thành phố ghé về thăm, hai mẹ con gặp nhau ở cửa, nghẹn quá, không nói được gì. “Nó về được hôm, sớm mai dẫn con đi học xong rồi lên thành phố luôn”, mẹ chồng chị Phương nói.
Nhà chồng cũng đông con, chồng chị Phương nghèo nhất nên ba mẹ chồng cho một công đất ngay sát bên dựng nhà. Ngày ấy anh còn khỏe, chưa bị tiểu đường và huyết áp cao, hai vợ chồng làm mướn quanh vùng, cũng dựng được cái nhà bằng những lá dừa nước, nhà ở được 5 năm thì sập. Rồi anh bệnh, từ đó không đi làm việc nặng. Cả gia đình lại qua ở nhờ ông bà nội.
|
|
Chị xoay xở xứ miệt vườn chẳng đủ, dằn lòng xin phép cả nhà cho mình gánh gồng lên thành phố ngược xuôi. Ba mẹ chồng tiễn con dâu đi, thương con một mình, thương con lấy chồng mà con vẫn cực.
Ba mẹ chồng già rồi, bệnh hoài, chẳng giúp được cho con dâu. Thương con nên ông bà ở nhà đưa đón cháu đi học, đỡ đần được chừng nào hay chừng ấy.
Những lần gặp ở nhà hàng, tôi hỏi chị làm mệt không, chị cười: “Có công việc làm thì vui mà. Mệt mình cũng cố gắng chứ đâu bỏ được”, rồi chị lại tất tả dọn dẹp.
Những chiều nhà hàng thưa khách, ít công chuyện, chị bảo đó là những chiều nhớ nhà. Tầm giờ ấy ở nhà đã bắt đầu cơm nước cho sắp nhỏ đi học về ăn. Nhà chị nấu bếp củi, nhen củi khói lắm, “mà lên đây nhớ mùi khói quá”, chị buồn rười rượi.
Tiền Giang bây giờ đang mùa trái hồng xiêm (sa pô chê), hôm tôi ghé nhà chồng chị, cả một vùng bạt ngàn cây hồng xiêm. Mẹ chồng chị ra vườn, kiếm lấy những quả ngon nhất gửi tôi đặng gặp chị Phương thì gửi giúp. Bà bảo: “Phải chi nhà tui cũng vườn nhiều như người ta thì con Phương đâu phải đi làm xa”.
|
Sân nhà, mẹ chồng chị phơi ít củ cải, tết nào bà cũng ăn chay, bà xin trời phật phù hộ cho chị Phương khỏe mạnh nuôi con ăn học. “Cực quá thì về, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, bà nói tới đó thì giọng nghẹn lại.
Bà chỉ ra cây me già trước cổng, cây me ấy những ngày chị Phương còn ở nhà, đợi quả me già, thiệt khô, chị trèo lên cây, lắc lắc, me rụng, đem nhặt rồi tách vỏ, bán được một ký mười ngàn. Từ ngày chị lên thành phố, chẳng ai trèo hái được nữa, những quả me khô còng queo trên cành.
Hồng xiêm đợt này đang chín vụ, ngày nào trong xóm cũng có thương lái đến thu mua. Hôm tôi ghé, chồng chị đi hái công cho người ta, một công được trăm ngàn đồng.
Hồng xiêm hái xong rồi rửa sạch, đóng thành thùng, cuối ngày hồng xiêm theo người ngược lên thành phố. Ở quê tôi, mâm ngũ quả bao giờ cũng có ít trái hồng xiêm, bữa cơm tất niên, trông mâm ngũ quả, thấy cả một sự ấm cúng, sum vầy.
Ấy thế mà giữa vùng quê nhà của nó, của thứ cây trái ấy đượm hồng ấy, có những cuộc đời không đón được một cái tết sum vầy, đoàn viên.
Bình luận (0)