Bà ngoại U.80 và 3 đứa cháu nhỏ
Khi nói đến ly hương kiếm sống ở vùng quê xứ Thanh, có lẽ ai cũng nghĩ đến huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Địa phương này từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã nổi tiếng với số lượng hàng chục ngàn người rời quê hương đi làm ăn ở Bình Dương, Sài Gòn...
“Cơn lốc” ly hương cũng giúp nhiều gia đình ở vùng quê thuần nông trở nên giàu có, đổi đời, nhưng cũng không thiếu hoàn cảnh lâm vào khó khăn, tàn tật suốt đời.
Được cán bộ chính sách – xã hội xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) giới thiệu, tôi tìm về nhà của bà Trần Thị Ơn 75 tuổi, ở thôn Thọ Sơn 2, xã Tân Châu. Hoàn cảnh bà Ơn rất éo le. Năm nay đã 75 tuổi, mang bệnh suy tim độ 3, thế nhưng hằng ngày bà vẫn chăm sóc cho 3 đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học.
|
Trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà cấp bốn ba gian xây hơn 20 năm trước của gia đình bà Ơn đã xuống cấp. Một gian dành làm nơi lập bàn thờ cho người chồng xấu số của bà Ơn vừa mất năm 2018 do bệnh đái tháo đường. Gian giữa, bà dùng để tiếp khách. Còn gian trong kê chiếc giường cũ, nơi để bốn bà cháu ngủ.
Vợ chồng bà Ơn sinh được sáu người con (một người con trai và năm người con gái), tất cả đều đã lập gia đình riêng. Trong đó, có hai người con gái là chị Lê Thị Thơ (36 tuổi) và Lê Thị Thuận (33 tuổi) là vất vả hơn cả, khi phải rời quê vào Bình Dương kiếm sống. Cuộc sống càng khó khăn, khiến cả hai phải để con ở nhà nhờ người mẹ già trông giúp.
Bi kịch của con gái nơi đất khách
Bà Ơn kể: “Do hoàn cảnh khó khăn, nhà đông anh em nên học hết lớn 7 thì Thuận nó rời quê vào Bình Dương làm công nhân để phụ giúp gia đình. Năm 2008, Thuận nó lấy chồng là người ở tỉnh Trà Vinh, cùng làm công nhân với nó, rồi sinh đứa con đầu lòng. Năm 2013, đang có bầu đứa con thứ hai thì chồng nó không may bị tai nạn giao thông và qua đời khi đang trên đường đi làm”.
Một mình ở trọ nơi đất khách quê người, lại chuẩn bị sinh con nên khi này chị Thuận phải quay về quê hương sinh nở để bố mẹ, người thân có thể đỡ đần. Sinh bé gái thứ hai xong được vài năm, thì chị Thuận tiếp tục ly hương, quay trở lại Bình Dương làm công nhân để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Lần thứ hai rời quê, chị Thuận đành phải để hai con cho vợ bà Ơn chăm sóc.
Cũng cùng thời điểm này, chị gái chị Thuận là Lê Thị Thơ do gia đình riêng gặp khó khăn nên cũng gửi đứa con mới hơn 2 tuổi cho vợ chồng bà Ơn chăm sóc. Rồi cùng vào Bình Dương làm công nhân.
|
Những tưởng cuộc sống xa quê tìm kế mưu sinh của hai chị sẽ giúp vơi bớt khó khăn, thoát cảnh nghèo túng, nhưng lại đang trở thành gánh nặng cho những người mẹ già đã 75 tuổi.
Tuy tháng nào hai người con gái cũng gửi tiền về phụ giúp bà chăm sóc cháu cháu nhưng cuộc sống của bà ngày càng trở nên khốn khó, vì sức khỏe đang yếu dần, trong người lại mang bệnh nặng.
“Tôi phát hiện mắc bệnh suy tim độ 3 từ 2 năm trước rồi. Giờ ngày nào cũng phải uống thuốc, tối đến lại phải tiêm. Hôm nào chú y tá của Trạm y tế xã có việc bận không đến tiêm được, là đêm đó không tài nào ngủ được, thở rất khó. Giờ mỗi tháng đều đặn tôi mất khoảng 2 triệu đồng tiền tiêm và uống thuốc. Già rồi chẳng làm được gì, có vài sào ruộng cũng để cho người khác làm, rồi hết vụ họ trả cho vài yến lúa chứ giờ không ra đồng nữa. Khi còn sống, ông nhà tôi cứ lo tôi chết trước, rồi không có ai chăm sóc cho các cháu được, thế mà ông lại đi trước tôi”, bà Ơn tâm sự trong nước mắt.
Giờ đã là thời điểm cận tết Nguyên đán, bà cũng không chắc cuối năm mẹ lũ trẻ có về quê ăn tết hay không, bởi đi lại cũng tốn kém, trong khi thu nhập đi làm thuê, làm công nhân chẳng đáng là bao.
Theo thông tin từ UBND xã Tân Châu, vùng quê thuần nông này hiện có hàng ngàn người ly hương kiếm sống. Họ vào Bình Dương, TP.HCM và nhiều tỉnh khác. Cũng có gia đình kinh tế bớt khó khăn hơn trước, nhưng cũng không thiếu những gia đình càng trở nên nghèo khó, éo le hơn sau những năm tháng rời xa quê nhà.
Bình luận (0)