Con mãi mãi không gọi ‘mẹ ơi!’

31/05/2018 20:56 GMT+7

Chị bình tĩnh. Chị kể vanh vách từng chi tiết về đứa con tự kỷ 7 tuổi. Vai này, chị đã sắm hàng chục lần khi chạy vạy khắp nơi. Nhưng chị bật khóc khi nhà trị liệu hỏi chị mong gì. Hai chữ “mẹ ơi!”.

Chưa bao giờ bước ra khỏi giấc mơ…
H. 3 tuổi. Người mẹ gọi khản cổ, nó cũng chẳng bao giờ mảy may quay đầu lại. Người mẹ đã hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn lần gọi tên lúc nó mới mở mắt lúc ban mai, gọi lúc nó quay tít vòng vòng suốt ngày như chong chóng, gọi lúc nó chui xuống gầm bàn trốn tiếng mẹ nói chuyện với người hàng xóm, gọi lúc nó la hét sợ hãi vì tiếng khoan tường từ ngõ kế bên, gọi lúc mẹ ráng dỗ dành những giấc ngủ khó khăn của nó… Chưa bao giờ nó quay đầu lại. Chưa bao giờ nó tỏ ra có bất kỳ đáp ứng nào khi nghe gọi tên mình, chỉ trừ trong nhưng cơn mơ chập chờn mộng mị của bà mẹ. Lúc đó, nó quay lại, nó lao vào lòng mẹ, nó nhìn mẹ đầy trìu mến. Và nó gọi: “Mẹ ơi”. Mẹ hét lên sung sướng… và mẹ bừng tỉnh. Giấc mơ đó cứ quay tới quay lui trong những giấc ngủ chẳng mấy khi được yên giấc của bà mẹ. Chỉ chưa bao giờ bước ra khỏi giấc mơ…
T. 5 tuổi. Nó chẳng bao giờ quan tâm mẹ đang nói gì với nó. Nó trơ trơ trước những tiếng nói tràn ngập yêu thương, tiếng thủ thỉ ngọt ngào, tiếng nấc nghẹn đau đớn hay cả những tiếng thét trong thất vọng cùng cực của mẹ nó. Tất cả đều vô nghĩa trước gương mặt không một cảm xúc của nó. Vậy mà chỉ cần chuông điện thoại, đôi khi chỉ là tiếng rung nhỏ xíu của điện thoại giữa không gian ồn ào, nó cũng nghe được ngay, lao tới và có thể ngồi suốt ngày chỉ để tháo ra, lắp vào cái ốp điện thoại. Con nghe tiếng mẹ gọi, dẫu to gấp trăm ngàn lần tiếng rung điện thoại kia, là giấc mơ quá xa xỉ với bà mẹ.
V. 7 tuổi. Nó nhớ vanh vách tất cả những con số phức tạp trong quyển sổ chi chít. Nó giải gọn lỏn bài toán mà thằng anh 10 tuổi của nó ngồi cắn bút. Nó biết nói. Nó lặp lại y chang những đoạn hội thoại rất dài trong chương trình radio mà nó vừa nghe. Chỉ chưa bao giờ biết trả lời, kể cả những câu đơn giản như “Ăn cơm chưa?”. Và chưa bao giờ, nó gọi hai tiếng “mẹ ơi”.
Dạy trẻ giao tiếp bằng hình ảnh là phương pháp đang được sử dụng phổ biến trên thế giới cho trẻ tự kỷ và có các rối loạn phát triển K.O
Cả 3 trường hợp kể trên đều không phải là lạ trong “thế giới tự kỷ”. Thế nên bà mẹ của đứa trẻ 7 tuổi - dẫu tỏ ra rất mạnh mẽ, dẫu trả lời vanh vách mọi câu hỏi của nhà trị liệu - đã bật khóc nức nở khi được hỏi ước muốn của mình.
Sức mạnh xoa dịu phi thường
Ai đã từng rứt ruột đẻ con, ai đã từng chăm bẵm con từng ngụm sữa từng muỗng cháo, ai đã từng thức suốt đêm thâu bên con - dẫu là một đứa trẻ bình thường vốn dễ dàng hơn trăm ngàn lần so với trẻ tự kỷ - cũng sẽ hiểu hai chữ “mẹ ơi” có sức mạnh xoa dịu phi thường đến đâu.
Ai đã từng khổ sở tìm trăm ngàn cách để cố chọc mắt nhìn vào não con, để cố hiểu vì sao con la hét hoảng loạn, để thấy con đang khó chịu chỗ nào, để biết nguyên nhân vì sao con cứ hoảng loạn chạy trốn khi bước ra khỏi nhà… sẽ hiểu niềm khao khát con biết nói của bà mẹ lớn đến nhường nào…
Phân nửa trẻ tự kỷ không nói
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh Phan Thiệu Xuân Giang cho biết không nói hoặc chậm nói là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của trẻ tự kỷ khiến cha mẹ đưa con đi bác sĩ. Thông thường, trẻ sẽ được kiểm tra thính lực, kiểm tra các cơ quan hầu họng để loại trừ nguyên nhân không khiếm thính, loại trừ các vấn đề ở các cơ quan phát âm. Còn nếu là tự kỷ, nguyên nhân không nằm ở các cơ quan này.
Bác sĩ Giang chia sẻ một trong những câu nói mà bác sĩ thường nghe nhất từ phụ huynh: “Bác sĩ hãy làm sao cho con tôi nói”. Quả là một nhiệm vụ rất thường xuyên bất khả thi! Bác sĩ Giang cho biết theo các số liệu thống kê, khoảng từ 40-50% trẻ tự kỷ không nói. Ngoài ra, từ 25-30% trẻ tự kỷ thoái lùi ngôn ngữ lúc ở giai đoạn 18-24 tháng tuổi.
Cứ tưởng tượng thiên thần bé nhỏ của mình vào một ngày bỗng dưng giảm nói hẳn, giảm dần cho đến mất gần hết ngôn ngữ hoặc có khi nín bặt không bao giờ nói nữa, bạn sẽ hiểu sự đau khổ với các bậc phụ huynh là lớn đến nhường nào.
Nhưng càng đau khổ, càng không chấp nhận, càng cố đi tìm “viên thuốc nói”, càng gây áp lực “nói đi, hãy mở miệng ra” với con… phụ huynh càng có thể giúp ích ít đi cho con.
Ông Hoàng Văn Quyên, giảng viên âm ngữ trị liệu của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết một nguyên tắc đúng với hầu hết trẻ tự kỷ: học bằng thị giác. Việc áp dụng những phương pháp can thiệp có chứng cớ, đã được kiểm nghiệm thường mang lại hiệu quả. PECS (hệ thống giao tiếp bằng trao đổi hình ảnh) - phương pháp dạy cho trẻ tự kỷ dùng hình để giao tiếp là cách đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đứa trẻ được dạy chỉ vào hình ảnh, trao đổi hình ảnh (bộ hình có sẵn) để giao tiếp, để nói lên nhu cầu của mình.
Những hình ảnh đơn giản như thế này có sức mạnh thu hút nhiều trẻ tự kỷ hơn là lời nói K.O
Phần thưởng gấp ngàn lần
Ông Quyên chia sẻ kinh nghiệm cha mẹ, giáo viên hãy cứ nói rõ ràng, ngắn gọn với trẻ, vừa nói vừa dạy trẻ giao tiếp bằng cách trao đổi hình ảnh, đừng quá áp lực bắt con nói theo. Việc cứ chăm chăm thúc ép “con nói đi, con lặp lại theo mẹ, con lặp lại theo cô” sẽ gây áp lực rất lớn lên cả đứa trẻ và người dạy. Mà áp lực thì là kẻ thù của thành công trong “thế giới tự kỷ”.
Và biết đâu, một ngày kia, con sẽ bình an mà thốt lên “mẹ ơi”, còn hơn thế nữa, sẽ nói rằng “con đói”, “con muốn đi chơi”? Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung tâm Tự kỷ và các rối loạn có liên quan ở Baltimore (Mỹ), trẻ tự kỷ sau 4 tuổi vẫn có thể bắt đầu nói khi được can thiệp đúng và đủ. Còn nếu trẻ vẫn không bao giờ nói? Đó không phải là điều gì quá bất ngờ, bởi thống kê 40-50% vẫn cứ rành rành đấy thôi! Nói không phải là phương cách duy nhất để giao tiếp.
Con có thể mãi mãi không bao giờ gọi “mẹ ơi” nhưng con biết cách giao tiếp để cho biết nhu cầu của mình, đó chẳng phải là phần thưởng to lớn với cha mẹ đó sao? Biết rằng dạy trẻ tự kỷ chưa bao giờ là dễ dàng nhưng sự nỗ lực gấp 2, lòng yêu thương gấp 3, sự kiên nhẫn gấp 4 chẳng phải là phần thưởng gấp ngàn lần với cha mẹ đó sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.