|
Cô bé đã được gắn một loạt biệt danh, nào là “tiểu thư”, “công chúa”, “cách cách”… Ứng xử của cô bé quả là xứng với các danh xưng trên.
Đưa đón con gái đi làm
Ngay sáng đầu tiên ra mắt, cô đã có những “hành động kỳ quặc”: xuất hiện với một chiếc quần bò rách te tua và áo sơ mi buộc túm hai vạt. Vừa được trưởng phòng giới thiệu với mọi người xong, cô bé hồn nhiên sà vào bàn nước, ai cũng tưởng cô đi rửa ấm chén như những cô cậu mới đi làm thường hay làm thế. Nhưng không, hóa ra cô nhón một gói cà phê trong hộp, pha chỉ một tách và vô tư ngồi uống một mình!
Uống xong và để tách lại trên bàn chưa vội rửa, cô bé lại thắc mắc: “Em ngồi ở chỗ nào? Máy tính của em đâu?”. Khi được mọi người giải thích là sinh viên thực tập không có máy tính riêng mà phải sử dụng chung với nhân viên chính thức thì cô bé mới có vẻ hiểu ra nhưng vẫn làu bàu: “Dùng chung thì khó chịu lắm! Mai em mang laptop đến dùng một mình một máy cho thoải mái!”. Được góp ý khi đến công sở làm việc không mặc quần bò rách và áo buộc túm vạt thì cô thanh minh “Đây là bộ khốt nhất của em đấy, còn ở nhà thời trang của em xì - tin lắm! Bố mẹ em dặn trang phục đi làm phải nghiêm chỉnh nên em chọn mãi mới được bộ này là nghiêm nhất trong tủ quần áo của em đấy!”.
Mấy ngày sau, cũng chính tự miệng cô bé kể lể mà ra, mọi người mới vỡ lẽ về những hành động khó hiểu của cô! Té ra bố mẹ cô ngoài 40 tuổi mới sinh được mỗi một mụn con gái nên cô được chiều chuộng hết mực, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Từ nhỏ đến khi học đại học, cô được (hay bị) bố mẹ o bế như công chúa cấm cung. Cho đến hết cấp ba, cô mà ra đường vẫn phải kè kè người đi kèm để đảm bảo an toàn! Con thi đại học được bố mẹ tư vấn nên chọn trường gần nhà để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông trên đường!!! Hôm đi thi, con được bố trí đi taxi để tránh nắng, đảm bảo sức khỏe! Con ngồi trên taxi cạnh mẹ, bố đi xe máy phía sau hộ tống phòng khi đường tắc, hoặc bất kỳ sự cố nào xảy ra là có ngay bố phóng tới “tiếp sức mùa thi”! Khi xuống xe, mẹ phải mở cửa ra trước để con ra sau cho an toàn, kẻo con bị xe máy phía sau chạy tới va phải! Lên đến đại học, lỡ hôm nào đi học về muộn, mẹ gọi cho tất cả các số điện thoại của các bạn cùng lớp mà mẹ biết để hỏi “tung tích” của con gái! Mỗi khi thị trường ra mắt những sản phẩm công nghệ mới, con chưa kịp vòi vĩnh, bố mẹ đã “tự giác” trang bị cho con để không “thua bạn kém bè”!
Những ngày thực tập ở cơ quan tôi, vì (hay mặc dù) xa nhà khoảng 6 - 7 cây số, nên (hay nhưng) hằng ngày bố cô - đã 65 tuổi - vẫn đều đặn đưa con đi, đón con về ngày 4 lần, tổng số quãng đường ngót 30 km. Lý do bố mẹ cô bé đưa ra là bố phải chở đi để đảm bảo an toàn, con tay lái không vững đi lại nhiều ngoài đường chẳng may va chạm xe cộ; và buổi trưa phải về nhà ăn cơm để đảm bảo “dinh dưỡng và vệ sinh”! Sếp thử việc cô bé, giao làm văn bản, cô kể rằng bố huy động cả nhà thức đêm để hỗ trợ cho con gái.
“Hộ tống” con gái đi hẹn bạn trai
Cô bé có bạn trai, ban đầu bố mẹ ngăn chặn, cấm cản, sau khi “tìm hiểu” bạn trai giúp con, thấy cậu bé cũng ngoan, gia đình đàng hoàng, bố mẹ cô mới xuôi xuôi! Nhưng hôm đầu tiên “tiếp cận” cậu bé, đang nói chuyện vui vẻ, bỗng dưng mẹ cô cảnh cáo: “Cháu chỉ cần làm em khóc thôi là chú “cắt gân” cháu đấy!!!”. Có lần bố cô còn cử mẹ cô “hộ tống” con gái đi xem phim cùng bạn trai! Cậu bạn hãi quá, đến cả tuần nay không thấy gọi điện, nhắn tin gì khiến cô bé đang bồn chồn, buồn bực!
Ngồi buồn giận bạn trai, cô lại kể lể: Bố em bảo sau này lập gia đình có bầu có bí không cần chồng mà để bố đưa đi bệnh viện. Bố mẹ em tuyên bố: “Con mà lấy chồng, nhất thiết chồng con phải ở rể để bố mẹ kiểm soát “nhất cử nhất động” của nó, xem nó đối xử với con gái “rượu” của bố mẹ ra làm sao để còn tiện bề chấn chỉnh!”.
Nghe cô kể chuyện được bố mẹ chăm bẵm không kém gì công chúa trong chuyện cổ tích, ai cũng lắc đầu lo cho cô bé đến bao giờ mới thoát khỏi “vòng kim cô” của bố mẹ, đến bao giờ mới trưởng thành được mà tự lập, tự chủ với cuộc sống của mình?!!!
Bùi Thúy Hạnh
Bình luận (0)