Trong một trận bóng đá, cha tôi đã bị ngã chấn thương cột sống và đã được các bác sĩ Cuba cứu chữa... để bây giờ, gần 50 năm sau, cha tôi ở tuổi 67 vẫn chơi thể thao thường xuyên và tham gia làm hướng dẫn viên du lịch đi khắp các miền của Tổ quốc...
Tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và được ru hời bằng vô vàn những kỷ niệm đẹp về một hòn đảo xa lạ mà vô cùng gần gũi - Cuba.
Năm 2000, tôi được nhận học bổng của chính phủ Cuba, bắt đầu một trang mới của cuộc đời, ở đất nước vừa xa lạ vừa thân quen... Những khó khăn về cuộc sống và nền văn hóa nơi đảo quốc xinh đẹp ấy... đã tôi luyện nên một tôi bản lĩnh và kiên cường. Tôi và các bạn mình đã "chiến đấu" theo cách riêng của chúng tôi, cách mà nếu chưa từng đặt chân đến miền đất ấy... Bạn sẽ không thể nào lý giải nổi.
5 năm sống và học tập ở hòn đảo ấy, tôi đã đặt chân đến nhiều vùng đất mới, làm quen với biết bao người dân hiền lành và tốt bụng. Họ sẵn sàng nhường tôi bát cơm với súp đậu đen cuối cùng, họ sẵn sàng nhường tôi góc giường ọp ẹp bên trái nhà, họ sẵn sàng chăm sóc tôi khi tôi đau ốm không có người thân bên cạnh...
Năm 2002, tôi bị tai nạn ô tô trong đêm ở đường quốc lộ... 3 người bạn Ả Rập đi cùng chuyến xe được kịp thời khiêng đến bệnh viện và được cứu sống. Tôi may mắn hơn họ vì tự bò ra được khỏi xe. Cả mấy chục cây số trên đường đi cấp cứu tại Sancti Spiritud tôi đã nghĩ mình sẽ không có cơ hội trở về đất mẹ. Nhưng tôi ấm lòng vì trong cái cabin xe tải cũ kỹ và ọp ẹp ấy, có 1 người mẹ cuba đã vỗ về an ủi và chăm sóc tôi tới khi bạn bè của cha mẹ tôi tới.
Năm 2003, tôi lại được mang đi cấp cứu tại 2 bệnh viện, một ở La Havana và một Santa Clara, nơi tôi phải trải qua một cuộc phẫu thuật gấp và chỉ thêm khoảng 1 ngày nữa thôi máu trong ổ bụng sẽ gây hoại tử. Không cần biết tôi là ai, không cần trình thẻ sinh viên, cũng không cần phải là sinh viên của trường đó... xe cấp cứu hoặc ô tô của nhà trường nơi tôi dừng chân đều sẵn sàng lên đường. Trong bệnh viện họ cũng chỉ hỏi tên tuổi và quốc tịch. Và khi tôi nức nở trong phòng chờ phẫu thuật bởi sự sợ hãi và cô đơn, các bác sĩ thay nhau an ủi tôi và đặc cách cho cô giáo tôi vào làm công tác tư tưởng. Cô giáo và cả “gia đình” lớn của cô thay nhau chăm sóc tôi trong bệnh viện cũng như ở nhà cho tới khi tôi được cắt chỉ (tại 1 trạm xá trong khu dân cư, "bệnh viện không làm những việc đơn giản như thế" là lời của cô giáo tôi). Tôi không biết, cũng chẳng hỏi các bác sĩ đã tiếp bao nhiêu máu cho mình, chỉ biết ca mổ kéo dài khoảng 3 tiếng và tôi vẫn như một tàu lá xanh xao khi xuất hiện trước cổng nhà cha mẹ sau 1 tháng tẩm bổ hết mức...
Ở trường, mỗi năm học mới chúng tôi đều được khám sức khỏe định kỳ (nếu có bệnh đương nhiên sẽ được chữa trị), nhận sách vở, bút, xà phòng, thuốc đánh răng, đệm, ga, gối... Nhà ăn phục vụ 3 bữa, cả 3 tháng hè cho sinh viên nước ngoài (mặc dù cơm vô cùng khó ăn và vẫn phải nấu thêm), nhận học bổng 100 peso = 4 USD (riêng sinh viên sư phạm chúng tôi nhận thêm 80 peso tiền lương thực tập đi dạy)...
Tất cả đều miễn phí. “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” không phải khẩu hiệu! Đó là phương châm sống của những người dân cuba nhiệt thành và chân tình!
Ơn Người - Fidel Castro - và nhân dân Cuba cả cuộc đời này! Ơi Tổ quốc thứ hai của tôi. Hãy yên nghỉ. Con mucho amor! (Vô cùng tiếc thương - NV). Tôi đã viết như vậy vào sổ tang Người, hôm 28.11.
Bình luận (0)