‘Con muốn sống': Cậu bé ung thư não và giấc mơ chết lặng của người cha nghèo

19/04/2024 11:13 GMT+7

Nằm bẹp trên chiếc xe lăn trước sảnh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức), những cơn đau như xé thịt bởi căn bệnh ung thư não giai đoạn cuối khiến Tú kiệt sức.

Chúng tôi trở lại bệnh viện này vào buổi sáng 17.4, lọt thỏm trước dòng người đông đúc đi khám bệnh là hình ảnh người cha đang vuốt ve, dỗ dành đứa con bị liệt nửa người do bệnh ung thư. Đó là anh Phan Văn Từ (39 tuổi) và con trai Phan Tấn Tú (12 tuổi, quê TX.Đông Hòa, Phú Yên).

Tú với đầu tóc ngắn cũn, gầy rộc đi. Em đang nằm đó, mắt lim dim nửa ngủ nửa tỉnh. Thỉnh thoảng, Tú lại rên lên khe khẽ từng hồi. Tiếng rên như làm thắt lòng, thắt ruột những người nghe thấy.

Nỗi đau của con và nước mắt của ba mẹ ở ngoài phòng mổ

Bắt chuyến xe từ Phú Yên lên TP.HCM từ chiều hôm trước, vợ chồng anh Từ đưa con trai đầu lòng đến bệnh viện xét nghiệm máu từ sáng sớm. Từ khi phát hiện con trai bị bệnh nan y, cha con anh Từ đã quen với những chuyến xe đêm đường dài.

Ánh mắt nhìn về phía Tú, ký ức đưa anh về mùa xuân năm 2020. Lúc đó vợ chồng anh Từ đang cùng con đi chúc tết thì thấy con nôn mửa, nên gia đình đưa Tú lên Bệnh viện đa khoa Phú Yên để thăm khám. Ở đây, bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa và cấp thuốc để uống. Thấy con ngày càng xanh xao, tình trạng nôn mửa của con không có dấu hiệu thuyên giảm nên gia đình đưa gấp lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chữa trị.

Sau khi chụp MRI, bác sĩ báo u lành tính và tiến hành cắt bỏ khối u. Tú được trở về nhà và đi học bình thường. Suốt 3 năm học, Tú đều là học sinh giỏi.

Bệnh ung thư não khiến Tú bị liệt nửa người và không nói chuyện được

Bệnh ung thư não khiến Tú bị liệt nửa người và không nói chuyện được

UYỂN NHI

Cuộc sống tưởng chừng như trôi qua hạnh phúc, êm đềm. Nào ngờ, tháng 12.2021, bệnh của Tú tái phát khi em nôn mửa dữ dội, mắt phải bị sụp mí. Vợ chồng anh Từ sợ hãi đưa con đi bệnh viện. Sau khi xét nghiệm mẫu sinh thiết, bác sĩ báo ung thư não giai đoạn cuối.

Ngày nhận hung tin, vợ chồng anh Từ sốc, mất hết tinh thần, đau đớn đến rụng rời chân tay. Anh nhớ rõ lời bác sĩ nói, chỉ khi mổ lấy khối u mới có cơ hội sống, nhưng tỷ lệ thành công 50%, có thể qua đời trên bàn mổ.

Thấy con vật vã với cơn đau, vợ chồng anh Từ không chịu nổi và quyết định giành giật sự sống cho con. Anh nhớ như in lúc Tú vào phòng phẫu thuật, Tú nói với ba mẹ: “Ba mẹ cố lên, con mổ xong là ra liền".

Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, vợ chồng anh Từ nóng ruột, đứng ngồi không yên, mong mỏi từng giây từng phút để được gặp con. Suốt thời gian đó, anh Từ chỉ biết nhìn vào phòng chờ xem có tên con hay không. Nửa đêm có số lạ gọi đến, anh giật mình vì sợ con có chuyện không lành. Ca phẫu thuật thành công, nhưng không giống với những đứa trẻ khác, Tú hôn mê sâu 1 tháng.

‘Con muốn sống': Cậu bé ung thư não và giấc mơ chết lặng của người cha nghèo- Ảnh 2.

Chân Tú co quắp vì bệnh ung thư não

UYỂN NHI

Anh Từ kể, khoảng thời gian chăm con bị hôn mê vợ chồng anh thức thâu đêm. Mỗi ngày đều hy vọng con tỉnh lại rồi khỏe mạnh bình thường. Nhưng khi tỉnh lại em không thể nói chuyện và bị liệt nửa người từ đầu xuống, không tự chủ tiểu tiện… Những cơn đau đầu hành hạ em cả đêm lẫn ngày.

“Ú… ớ…” cầu cứu để được sống

Bệnh ung thư như ăn mòn Tú, khiến em la khóc, tự làm đau chính mình bằng cách đánh bản thân, đập đầu vào tường để tự xoa dịu đi cơn đau đớn. Chứng kiến con oằn mình trước căn bệnh vô phương cứu chữa, anh Từ bất lực. Thậm chí anh còn phẫn nộ và tuyệt vọng bởi việc mình là một người cha nhưng không thể xoa dịu nỗi đau cho con.

“Mấy đứa trẻ khác mổ xong đa số đi, đứng, chạy nhảy được. Nhìn con mình nằm một chỗ, muốn dẫn con đi đâu đó để chơi cũng không được. Tôi xót xa lắm, cháu còn nhỏ mà chịu đựng nỗi đau quá lớn…”, anh Từ mếu máo, khóc không thành tiếng.

Để kéo dài sự sống, Tú đã trải qua 2 lần mổ khối u và 6 lần mổ đặt ống dẫn lưu não. Trên đầu với mái tóc ngắn cũn của em, chúng tôi thấy rõ từng vết sẹo, cùng ống dẫn từ não kéo dài xuống dưới.

Vết sẹo hình thành sau các cuộc đại phẫu

Vết sẹo hình thành sau các cuộc đại phẫu

UYỂN NHI

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định cho Tú xạ trị. Nhưng vì con còn nhỏ, không hợp tác nằm im nên tháng 8.2022 Tú được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế để xạ trị có gây mê với chi phí gần 100 triệu đồng.

Xạ trị 30 tia, Tú được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để tiếp tục vào hóa chất chống ung thư. Mỗi lần vô thuốc chống ung thư, khiến Tú không ăn được; cháo vừa đưa đến miệng, chưa kịp nuốt đã nôn ra. Cảm giác bức bối, khó chịu khiến Tú nhăn mày, cau có. Thuốc giảm đau cũng không thể giảm được sự đau đớn đang giày vò em.

Do nhiều đêm khóc và kêu gào trong nỗi đau khiến Tú gầy sọp đi. Khuôn mặt Tú trở nên gầy gò, xanh xao đến mức lộ cả xương gò má và 2 mắt sụp mí, thâm quầng, còn đôi môi thô ráp, trắng bạch.

Phan Tấn Tú đã có thời gian hơn 4 năm điều trị ung thư não

Phan Tấn Tú đã có thời gian hơn 4 năm điều trị ung thư não

UYỂN NHI

Nằm trên xe lăn, Tú nhìn ba chăm chú, bất chợt em cất tiếng "ú... ớ..." như đang trò chuyện. Chúng tôi không hiểu đứa trẻ muốn nói gì, có thể Tú muốn an ủi ba, nhưng cũng có thể là lời cầu xin đừng bỏ rơi con mà tội nghiệp.

Những hôm Tú “bình tĩnh" thì em nằm nói, cười một mình. “Những ngày ở bệnh viện, lúc nó cười, lúc nó hiểu chuyện, lúc nó giận dữ rồi cắn, đánh vợ chồng tôi", anh Từ nghẹn ngào, từng tiếng nấc run lên như thể có lưỡi dao đang cứa sâu vào từng làn da, thớ thịt của mình.

Khổ nhất là những lúc Tú lên cơn, em la hét om sòm 2 tiếng cũng không ngớt, khuôn mặt méo xệch đi, còn tay chân vùng vằng trong đau đớn. “Chắc tại nó đau đớn quá mới ra nông nỗi này”, anh Từ nhìn về phía xa xăm, nói với giọng đau xót.

Chúng tôi được sự đồng ý của anh Từ trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình anh vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ anh Phan Văn Từ (ba của cháu Phan Tấn Tú) qua số điện thoại 0971547594.

Số tài khoản Phan Văn Từ 1024579226 - Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).


“Tôi phải cố gắng mạnh mẽ vì con"

Vợ chồng anh Từ có 2 người con (Tú là đứa lớn và đứa nhỏ 7 tuổi). Ngày Tú chưa đổ bệnh ung thư, anh Từ làm nghề đi biển ở Nha Trang, mỗi tháng kiếm được 7 - 8 triệu đồng. Còn chị Trần Thị Ái Linh (37 tuổi, mẹ của Tú) làm công nhân chế biến thủy sản, trung bình kiếm được hơn 3 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng anh Từ tích góp tiền bạc, chăm chỉ làm ăn, dự định xây một ngôi nhà nhỏ, vun vén cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Vậy mà… Từ ngày Tú đổ bệnh ung thư, vợ chồng anh bỏ hết việc lên TP.HCM chăm con, số tiền tiết kiệm cũng cạn dần. Đứa con nhỏ lúc đó được 5 tuổi, vợ chồng cũng đành đoạn gửi nhờ bà nội chăm.

‘Con muốn sống': Cậu bé ung thư não và giấc mơ chết lặng của người cha nghèo- Ảnh 5.

Anh Từ rơi nước mắt khi nghĩ về con

UYỂN NHI

Gạt nước mắt và nỗi đớn đau, anh Từ đi vay mượn khắp nơi để cho con đi viện nhưng cũng không kham nổi. Hơn 4 năm mòn mỏi với bệnh tật của con, đến nay số tiền nợ cũng hơn 500 triệu đồng nhưng bệnh ung thư không có dấu hiệu thuyên giảm.

Những năm gần đây, anh Từ bị bệnh sỏi thận nên sức khỏe sa sút. Đi thăm khám, bác sĩ báo sỏi có kích thước lớn, cần mổ gấp với chi phí 20 triệu đồng. Không có tiền chữa bệnh, anh Từ đành ngậm ngùi đi về và từ bỏ phẫu thuật.

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi của chúng tôi với vợ chồng anh Từ đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cơn co giật kèm tiếng gào khóc vô hồn của Tú. 

“Đêm ngủ là con đau, la hét thảm thiết lắm em ạ. Thấy con như vậy mình không làm gì được, đứt ruột lắm. Nhiều khi tôi chỉ biết ngậm ngùi ôm con khóc thôi", anh Từ nghèn nghẹn kể chuyện khi đang đếm lại vài đồng bạc lẻ còn lại trong túi.

Níu giữ giấc mơ

Nhắc về con, anh Từ ngân ngấn nước mắt rồi thổn thức, anh đặt tên con là Tấn Tú với ý nghĩa mong con mạnh mẽ, thành đạt. Khi nhìn con nghị lực chiến đấu với bệnh tật, cố gắng chịu đựng những cơn đau mà đôi khi người lớn như chúng ta còn không chịu nổi. Vợ chồng anh Tú hãnh diện vì con đã sống mạnh mẽ đúng với ý nghĩa của cái tên.

Chúng tôi hỏi anh Từ có bao giờ có ý định từ bỏ không? Anh lắc đầu, cương quyết: “Không! Bây giờ túng thiếu như thế nào vợ chồng tôi cũng phải cố gắng chạy chữa cho con. Nếu tôi buông bỏ thì ai lo cho con. Tôi phải cố gắng, giành sự sống cho con mình trước”.

Tú luôn động viên, an ủi ba mẹ

Tú luôn động viên, an ủi ba mẹ

UYỂN NHI

Nhìn ba khóc, Tú lén nắm lấy tay anh Từ rồi thơm lên má anh. Tú ú ớ, tay chân quơ quơ như đang cố giải thích điều gì đó. Mặc dù không nói ra thành tiếng, nhưng vợ chồng anh Từ ai cũng hiểu con đang động viên: “Con thương ba mẹ lắm, ba mẹ đừng buồn nhé".

Nghe con thủ thỉ, anh Từ thấy nghẹn nơi cuống họng. Anh cố nở một nụ cười nhợt nhạt rồi mân mê cái tai của con thay cho câu trả lời. Nhưng hai mắt của anh thì ầng ậng nước mắt.

Với hy vọng "đi lại được bình thường", vợ chồng anh Từ thường xuyên đưa con đi bệnh viện tập vật lý trị liệu. Khánh kiệt tiền bạc, vợ chồng anh tự học thuộc các bài tập rồi đều đặn mỗi ngày tập cho Tú đi, đứng.

Tú ú ớ như đang cố giải thích điều gì đó

Tú ú ớ như đang cố giải thích điều gì đó

UYỂN NHI

Nhìn những bước đi xiêu vẹo, chập chững của con, người cha càng tan nát cõi lòng, trách số phận của con sao ngặt nghèo quá. Nhiều lúc, Tú thủ thỉ: “Lúc nào con mới đi lại bình thường để được đi học với các bạn?”. Những lời nói thơ dại đầy hy vọng của con ám ảnh anh Từ. Anh chỉ biết im lặng và nhìn con bằng đôi mắt trống rỗng mông lung.

Một lần, anh Từ nằm dưới chân con, nhìn thuốc nhỏ giọt qua ven. Anh mơ màng thấy Tú đi đứng, chạy nhảy rồi cắp sách đến trường. Tú khoe với ba hôm nay được điểm cao rồi nở một nụ cười thật tươi. Trong giấc mơ, anh mừng thầm phép màu đã đến với con mình.

Giật mình tỉnh dậy, nhìn đứa con bị liệt nửa người nằm im lìm một chỗ, anh bẽ bàng và cố kiềm nén những tiếng nấc...

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Từ nói đi nói lại rất nhiều lần là gia đình anh rất may mắn. May mắn vì Tú vẫn chiến đấu mạnh mẽ để cố gắng sống với ba mẹ đến thời điểm hiện tại.

Anh may mắn vì Tú của anh thì vẫn miệt mài chiến đấu với bệnh tật trong khi những đứa trẻ vào viện cùng đợt với Tú đều đã “trở về nhà". Có đứa trẻ qua đời khi đang ngủ, cũng có cả những đứa trẻ đang la hét ầm ĩ thì đột nhiên tắt thở.

Dù khánh kiệt tiền bạc nhưng chí ít với anh Từ, con vẫn còn thời gian ở bên cạnh để vợ chồng anh có thời gian để chăm sóc, yêu thương và nhìn con lớn lên mỗi ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.