2 giờ chiều, ngày 24.7, chúng tôi đến thăm mái ấm Hà Đông (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cách Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chừng 10 km. Đây là nơi nương tựa của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc (30 tuổi, ở H.Đăk Pơ, Gia Lai) và con trai Cao Đăng Khoa (3 tuổi, bị ung thư máu). Vì không có tiền thuê trọ hay bắt xe về quê sau những đợt vào hóa chất chống ung thư, gia đình chị lại chọn mái ấm miễn phí này làm nơi trú ngụ.
"Giá mà mẹ bị điên, bị mất trí nhớ…"
Nhìn chị Ngọc, chúng tôi cũng hiểu được chị đã trải qua nỗi đau đớn như thế nào nên bây giờ mới trông hốc hác và tiều tụy như thế. Cho đến tận hôm nay, chị cũng không thể nào quên giây phút kinh hoàng mà chị đã trải qua.
Sau tết Nguyên đán năm 2024 chừng 1 tuần, chị Ngọc thấy 2 má của con sưng to rồi sau đó cổ và háng nổi hạch. Tưởng con bị bệnh quai bị nên không mang con đi kiểm tra. Nghe mọi người ở quê “kháo” có thầy lang ở trên bản chữa bệnh quai bị hết trong vòng 2 ngày, anh chị bán tín bán nghi mời thầy lang về chữa bệnh. Sau 2 ngày, bệnh của Khoa có dấu hiệu ngày càng nặng đến nỗi cơ thể sưng tấy, chạm nhẹ vào là đau điếng nên không ai dám động vào.
Chị Ngọc sợ hãi vô cùng! Mà lúc đó nhà chị Ngọc chỉ có một thứ tài sản quý giá là ruộng mía chưa đến mùa thu hoạch, tiền đâu để xuống Quy Nhơn (Bình Định) khám bệnh. Không có tiền, chị Ngọc chạy vạy khắp nơi được chừng 2 triệu đồng rồi mang con đi bệnh viện. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán máu của Khoa bất thường, bảo gia đình đưa con vào TP.HCM chữa bệnh, ở Quy Nhơn không chữa được.
Hôm sau, vợ chồng chị Ngọc đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) từ sớm. Trong đầu chị Ngọc luẩn quẩn những câu hỏi. Tại sao máu con mình lại có vấn đề? Bệnh của con có nặng không?
Các bác sĩ xét nghiệm và chọc tủy đồ, một tuần sau đó có kết quả. Một thứ mà chị Ngọc hoàn toàn không tính đến: Bạch cầu cấp dòng lympho (một dạng ung thư máu). Chị Ngọc cố kìm lòng hỏi bác sĩ về tuổi thọ, cách điều trị của căn bệnh nan y này. Bác sĩ báo gia đình nên chuẩn bị tâm lý. Thời gian điều trị dài, tỷ lệ sống khoảng 50%. Chị Ngọc não nề. Chị bật khóc trong nỗi đau tột cùng khi bước ra hành lang bệnh viện. Nỗi xót xa, đắng cay dày vò tâm can chị.
Mới 3 tuổi, Khoa đã liên tục trải qua các đợt hóa trị. Mỗi lần con khóc vì đau đớn, chị Ngọc chỉ biết vỗ về mong sao con bớt đau
UYỂN NHI
“Lúc đó tôi như phát điên vậy. Người lúc nào cũng lờ đờ, mất tỉnh táo. Buồn chán và ủ rũ vô hạn. Tâm trí tôi để ở đâu tôi cũng không biết. Bác sĩ dặn dò những gì tôi cũng không nhớ, cho con uống thuốc gì rồi tôi cũng không hay”, chị Ngọc chua xót.
Ánh mắt đượm buồn, chị Ngọc đưa cái nhìn về đứa con đang khóc ngằn ngặt trên tay. Dáng vẻ của chị trông thật mệt mỏi khi thấy con đau đớn. Chị Ngọc đắng nghẹn: “Giá mà mẹ bị điên, bị mất trí nhớ…”.
Chúng tôi được sự đồng ý của anh Cao Văn Phụng (ba của cháu Cao Đăng Khoa) trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình anh vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ anh Cao Văn Phụng qua số điện thoại 0982131476.
Số tài khoản Cao Văn Phụng 5015205115306 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh Đăk Pơ (Gia Lai).
Nỗi lòng người cha
Gia đình chị Ngọc thuộc diện hộ nghèo. Cưới nhau gần 10 năm nhưng vợ chồng chị chưa cất nổi một mái nhà để ở, mà nương nhờ nhà bà nội. Anh Cao Văn Phụng (34 tuổi, ba của Khoa) chia sẻ, gia đình anh làm nghề trồng mía. Mỗi năm một vụ, cuối năm mới thu hoạch được. Mỗi vụ kiếm được chừng 20 - 30 triệu đồng.
Để kiếm thêm thu nhập, anh Phụng tranh thủ đi làm thuê như cắt cỏ, bơm thuốc diệt cỏ… Thu nhập của anh không ổn định. Tháng nào được nhiều người mướn, anh kiếm được 5 triệu đồng. Không dư dả, nhưng vợ chồng đủ để nuôi 2 đứa con ăn học (con gái lớn 7 tuổi và Khoa là con út).
Anh Phụng nói nỗi ám ảnh của anh là những lần ký vào giấy cam kết đồng ý truyền hóa chất cho con. Anh nói sự sinh tử của con nằm trong tay ba khiến anh sợ hãi. Nhưng anh vẫn phải cố gắng, phải chịu đựng và phải tự vật lộn với nỗi đau buồn của mình. “Tôi hay tự động viên bản thân mình phải cố gắng lên. Dù thế nào tôi cũng phải điều trị cho con. Còn nước còn tát, tới đâu hay tới đó", anh Phụng thấy nghẹn nơi cuống họng.
Anh Phụng rơm rớm nước mắt: “Ngày ngày nhìn con oằn mình trên giường bệnh, đôi lúc con ngủ được 2 tiếng rồi lại khóc ré lên từ sáng đến tối rồi qua cả đêm. Con đau đớn, nhưng con chưa nói được nên cứ khóc ré lên rồi cào xước hết cả mặt. Nhìn con đau, ba như đứt từng đoạn ruột”.
Gần 5 tháng cùng con chiến đấu với bệnh ung thư, điều khiến vợ chồng anh Phụng sợ nhất là khi con vào toa hóa chất đầu tiên. Ruột gan anh Phụng nóng như lửa đốt.
Ở phòng cấp cứu, cứ 2 - 3 ngày, anh Phụng lại chứng kiến các bệnh nhi không may “trở về nhà", tinh thần của anh càng suy sụp, không ngăn được suy nghĩ về trường hợp tệ nhất xảy ra. “Bác sĩ nói nếu cấp cứu chậm, con sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm”, anh Phụng lo sợ.
Mới 3 tuổi, Khoa chưa ý thức được căn bệnh của mình. Đau thì em khóc, hết đau thì cười, bập bẹ rồi chạy nhảy khắp phòng. Nhìn sự vô tư, hồn nhiên của con, anh Phụng không cầm được nước mắt.
“Ở bệnh viện, những lần con tham gia lớp học trong bệnh viện, mình chỉ ước con mình hết bệnh thôi”, anh Phụng nói. Chúng tôi nghe trong tiếng nói ấy có những niềm đau.
Ung thư máu khiến Khoa gầy gò, xanh xao
UYỂN NHI
Dù Khoa thuộc diện được bảo hiểm y tế chi trả 100%, nhưng vợ chồng anh Phụng vẫn phải vật lộn với những khoản phát sinh như tiền sinh hoạt tại bệnh viện, đi lại, ăn uống. Anh chị mượn họ hàng từng chút để chạy chữa cho con. Những lần được nghỉ sau những toa hóa trị chống ung thư, đôi vợ chồng nông dân không dám về nhà vì tiền xe cho 3 người đã tốn hơn 1 triệu đồng.
Dù hành trình trước mắt tính bằng năm, vợ chồng anh Phụng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ điều trị cho Khoa giữa chừng. Hiện tại Khoa vào gần xong toa hóa chất thứ 3, nếu sau 5 toa, sức khỏe ổn định, Khoa sẽ được chuyển qua giai đoạn điều trị duy trì.
Chia sẻ về ước mơ của mình, anh Phụng nghẹn ngào: “Không có ước mơ nào bằng ước mơ con hết bệnh. Tôi chỉ biết cầu trời cho con khỏe mạnh, còn lại đánh đổi gì tôi cũng chịu".
Bình luận (0)