Con người của kiến tạo

23/11/2022 04:14 GMT+7

Ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những bậc lãnh đạo có công trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết quốc gia sau ngày thống nhất đất nước - đã dấn thân trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Ông tham gia cách mạng từ thời niên thiếu và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, khi mới 17 tuổi. Và từ đó đến phút cuối cuộc đời, ông luôn có mặt ở khắp các trận địa, chiến trường; trên các công trường, nhà máy… không ngơi nghỉ với tư duy cách mạng “kiến tạo, đổi mới”.

Trong ký ức chúng ta hẳn vẫn còn in khắc những năm đầu thống nhất đất nước với hệ quả nặng nề để lại sau chiến tranh. Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, tình hình sản xuất bị đình trệ, gần 5 triệu dân TP.HCM thiếu nguồn lương thực nghiêm trọng; từ những ổ bánh mì khô cong, vắt mì ẩm ướt đến khoai, sắn, bo bo thay gạo mà vẫn không đủ cung cấp cho người dân đô thị.

Lưu thông lương thực từ ĐBSCL lên TP.HCM bị kiểm soát, “ngăn sông cấm chợ”. Là người lãnh đạo đứng đầu thành phố, ông Sáu Dân trăn trở với những đảo lộn đời sống xã hội, không đành tâm trước tình trạng đói kém, khủng hoảng lương thực của người dân, đã dũng cảm quyết định giao nhiệm vụ cho Công ty Lương thực Thành phố phối hợp các địa phương ĐBSCL thực hiện phương thức đổi hàng công nghiệp lấy lúa gạo, thực phẩm. Đó là hành động phá bỏ những cái lạc hậu, cản trở, tìm tòi cái mới thích hợp, đem lại lợi ích cho người dân. Mọi sự đổi mới tư duy và hành động của ông “Chủ tịch gạo” đều khởi nguồn từ một chữ “Dân”. Để rồi đi suốt một đời người, cái tên “ông Sáu Dân” thật sự trở nên gần gũi, thân thương trong lòng bao người.

Tư duy đổi mới, sáng tạo của ông Sáu Dân còn được kể qua câu chuyện “kế hoạch 2” trong chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất công nghiệp; với mục tiêu cao nhất là phục hồi sản xuất, khai thác cao nhất công suất của các nhà máy, tạo việc làm cho công nhân và nhất là giải quyết tình trạng vô cùng thiếu thốn hàng công nghiệp tiêu dùng mà đại bộ phận người dân đang gánh chịu.

Những thí điểm thành công khi cải tiến, đổi mới theo cơ chế vừa kế hoạch hóa vừa thị trường tại TP.HCM do ông Sáu Dân chỉ đạo thực hiện những năm sau 1975, về sau đã được thể chế hóa bằng các nghị định của Chính phủ cho phép xí nghiệp nhà nước được xây dựng “kế hoạch 3 phần”, trong đó có cả “xí nghiệp đời sống” của tổ chức công đoàn. Đây là một trong những yếu tố góp phần hình thành nội dung Đổi mới của Đại hội VI (1986)...

Với ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đi cùng với tư duy đổi mới là hành động xây dựng và kiến tạo. Ông cầu thị lắng nghe, “chiêu hiền đãi sĩ”, tập hợp trí tuệ của tầng lớp trí thức không phân biệt nguồn gốc xuất thân; kiên định lập trường, đeo bám vượt khó khi đã xác định mục tiêu đúng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dựa vào thực tiễn để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, kiên trì trong sự nghiệp Đổi mới để đi đến kiến tạo những công trình mang tầm quốc gia, phục vụ người dân và công cuộc phát triển của đất nước.

Trong lòng các tầng lớp người dân luôn có một “tinh thần Sáu Dân” để lại qua 100 năm đời người - một tinh thần hướng đến đại đoàn kết dân tộc, vì mục tiêu một nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam cường thịnh.

Tiếp nối vai trò và trọng trách người đứng đầu TP.HCM, tự soi rọi nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, bản thân tôi nhận thức rằng, quá trình xây dựng và phát triển thành phố trong mỗi giai đoạn có những vấn đề đặt ra khác nhau, nhưng nếu vận dụng được bài học “Đổi mới và kiến tạo; dấn thân vì nước, vì dân” từ tư duy, phong cách Võ Văn Kiệt, thì chắc chắn thế hệ lãnh đạo thành phố hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, mạnh dạn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải, năng động, sáng tạo, kết tinh chất ngọc trên những công trình vật thể và phi vật thể cho thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, xứng danh thành phố anh hùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.