Thế nhưng phương án làm BOT mở rộng các tuyến đường hiện hữu mà TP.HCM vừa đề xuất lại không nhận được sự ủng hộ của đa số.
Bởi trong phương án có thể khả thi để huy động vốn này thì việc phân bổ lợi nhuận, chi phí như thế nào để "hài hòa lợi ích" của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư... lại chưa thấy nói đến. Trong khi những thiệt thòi như phí chồng phí; TP.HCM trở thành nội đô đầu tiên mọc ra các trạm BOT dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh... là khá rõ ràng.
Tất nhiên BOT cũng chỉ là một giải pháp huy động vốn và kỹ năng quản lý của tư nhân khi ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển. Nên nói như chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, áp dụng cho đường mới hay đường hiện hữu cũng như nhau. TP.HCM cũng đã từng sử dụng giải pháp này cho một số dự án trước đây. Vì vậy, điều quan trọng là TP phải đưa ra được phương án phân bổ lợi ích và chi phí hài hòa nhất có thể cho các đối tượng liên quan và công khai minh bạch phương án đó để nhận được sự đồng thuận. Chứ chỉ đề xuất rồi mọi việc "tính sau" thì rất khó. Bởi chúng ta đều biết, "lịch sử" BOT đã xảy ra rất nhiều vấn đề tiêu cực, tồn tại đến tận giờ này chưa giải quyết xong. Và sự lo ngại của người dân, doanh nghiệp là có thể hiểu được.
Chưa kể ngoài phương án này, vẫn còn nhiều giải pháp để huy động vốn và giảm kẹt xe mà TP chưa làm đến nơi đến chốn. Ðơn cử như giải pháp hạn chế xe cá nhân, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, đẩy nhanh các dự án hạ tầng hiện hữu, phân làn tuyến hợp lý... đặt ra cả thập niên nay rồi lại xếp vào không thực hiện. Tương tự, việc tận dụng quỹ đất, giá trị đất hai bên đường khi mở đường làm cầu cũng được nói đến từ lâu nhưng cũng chỉ là trên lý thuyết, ngân sách vẫn phải kham hết khoản chi phí khổng lồ này khiến nguồn vốn cho hạ tầng càng eo hẹp.
Quan trọng hơn ở thời điểm hiện tại, chi phí đầu vào trong đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp đang tăng rất mạnh. Mới nhất, khung giá điện đã chính thức tăng, trước đó xăng đã có 2 lần điều chỉnh khá mạnh. Chi phí vốn (lãi vay) và chi phí logistics tại VN thì đã và vẫn luôn ở mức cao hàng đầu thế giới mà chưa có giải pháp nào khả thi để kéo xuống. Tất cả những điều đó khiến giá thành hàng hóa trong nước đang bị giảm sức cạnh tranh, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ tìm mọi giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thì việc tăng thêm thuế, phí... ở cả hiện tại và lâu dài là điều tuyệt đối không nên.
Ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu nhưng thực tế TP cũng còn rất nhiều dư địa để tăng nguồn thu như quỹ đất vàng bị sử dụng lãng phí, bỏ hoang; nguồn thu từ cởi trói cho các dự án bất động sản bị tắc pháp lý; từ cơ chế - chính sách đặc thù để tăng trưởng... Nếu quyết liệt và tận dụng tốt các nguồn lực này, song song với các giải pháp nói trên cũng giải tỏa một phần cơn khát vốn cho các dự án hạ tầng thiết yếu.
Ðó mới là những giải pháp vừa hiệu quả, vừa cải thiện môi trường đầu tư, tháo nút thắt thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế TP và tạo nguồn thu ngược lại cho ngân sách.
Bình luận (0)