Cơn 'quay cuồng' của vàng SJC

20/11/2021 06:12 GMT+7

Giá vàng miếng SJC ngày 19.11 giảm mạnh 1,1 triệu đồng mỗi lượng, trái ngược với đà tăng siêu tốc diễn ra những ngày qua.

Nhiều người gọi việc tăng giá của vàng miếng SJC là “điên loạn” khi nhu cầu trong nước giảm, người mua vàng ít, thậm chí thị trường vừa trải qua đợt giãn cách khiến các tiệm vàng phải đóng cửa dài ngày; thế nhưng vàng miếng SJC đang cao hơn vàng thế giới một khoảng cách kỷ lục, 10 - 11 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC cao hơn quốc tế lên đến 10 triệu đồng/lượng

Ngọc Thắng

Tăng giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng mỗi ngày

Giá vàng miếng SJC ngày 19.11 giảm mạnh 1,1 triệu đồng mỗi lượng, trái ngược với đà tăng siêu tốc diễn ra những ngày qua. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 59,8 triệu đồng/lượng và bán ra 60,6 - 60,62 triệu đồng/lượng; Eximbank còn 60 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 60,6 triệu đồng/lượng… Như vậy, chỉ trong 2 ngày vàng SJC bị “thổi bay” 1,65 triệu đồng mỗi lượng. Đến cuối ngày, vàng miếng SJC hồi phục tăng 200.000 đồng/lượng khi kim loại quý trên thị trường quốc tế quay đầu tăng từ 1.854 USD/ounce lên 1.864 USD/ounce.

Đại diện Công ty SJC cho biết thị trường xuất hiện lực bán vài trăm lượng nhưng do quy mô quá nhỏ nên giá lao dốc không phanh. Sau đó thì mọi người cũng chẳng “hỏi han” giao dịch gì nhiều. Thế nhưng điều đáng nói là dù cầu không nhiều, thậm chí “hỏi han” cũng ít nhưng giá vàng miếng SJC vẫn cứ tăng. Trước đây, mỗi ngày thị trường giao dịch mua bán vài chục ngàn lượng thì giá mới biến động lên xuống mạnh nhưng nay chỉ cần vài trăm lượng mua vào hay bán ra cũng khiến giá vàng biến động khó lường. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) cho biết trong chiều 19.11 thị trường xuất hiện lực bán chốt lời của dân “lướt sóng” nên giá lao nhanh xuống. Số lượng bán ra nhỏ nhưng cơ bản các đơn vị kinh doanh không muốn mua vào ở mức cao 60 - 61 triệu đồng/lượng nên đã có động tác kéo giá giảm. Động thái này cho thấy thị trường vàng trong nước chứa đựng quá nhiều rủi ro khi giá cả phụ thuộc rất nhiều vào chính các đơn vị kinh doanh vàng. Khi giá vàng thế giới biến động, họ kéo gioãng khoảng cách giá mua giá bán khiến cho nhà đầu tư vàng khó có thể kiếm lời trong phiên dù đoán đúng xu hướng. Còn khi giá vàng cao thì họ lại để giá mua vào thấp, muốn bán phải chấp nhận thiệt thòi.

Đó là lý do thị trường vàng trong nước ngày càng không hấp dẫn nhà đầu tư dù đây là một trong những kênh có độ thanh khoản rất cao.

Vàng hết hấp dẫn

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, doanh số giao dịch mua bán vàng của các đơn vị trên địa bàn thành phố trong 10 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh từ 40 - 41% (bán ra - mua vào) so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch ngày càng teo tóp và chỉ còn 4 ngân hàng triển khai dịch vụ nhận giữ hộ vàng trên địa bàn. Người dân có xu hướng bán vàng ra gửi tiết kiệm tiền đồng trong những năm qua.

Trong 10 năm qua, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế đã giảm mạnh. Năm 2011 có khoảng 300 - 400 tấn vàng trong nền kinh tế, ước tính khoảng 15 - 20 tỉ USD, trong khi GDP vào khoảng 135 tỉ USD. Sự biến động về giá vàng trên thị trường những năm trước đây thường ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Có những giai đoạn “vàng bỏ ống cũng có lãi” nên tâm lý nhiều người thích tích trữ vàng, chẳng hạn từ năm 2001 - 2011, giá vàng tăng gấp 9 lần và cao hơn tốc độ giá tiêu dùng 3,5 lần. Để bình ổn thị trường, nhà nước phải liên tục nhập khẩu vàng nhiều năm để can thiệp như năm 2009 là 492 triệu USD, năm 2010 là 1.106 triệu USD, năm 2011 là 2.265 triệu USD. Việc này tiêu tốn ngoại tệ và gây sức ép tăng giá USD, kéo theo lạm phát tăng.

Sau khi Nghị định 24 quản lý thị trường ban hành vào năm 2012 đến nay, các ngân hàng không nhận gửi tiết kiệm vàng mà chỉ giữ hộ (người mang vào ngân hàng gửi phải trả phí). Thêm vào đó giá vàng có xu hướng giảm dẫn đến lượng vàng giữ hộ của các ngân hàng giảm mạnh, người dân có xu hướng bán vàng chuyển sang gửi tiết kiệm tiền đồng.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết con số tiêu thụ vàng nữ trang, vàng thẻ quý 3 mà Hội đồng vàng vừa mới công bố giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 3 tấn. Trong những năm qua, con số tiêu thụ vàng tại Việt Nam ngày càng giảm, cụ thể năm 2019 là 50 tấn thì qua 2020 giảm 10%, xuống còn 45 tấn. Trong 10 năm từ 2010 - 2020, lượng vàng nữ trang tiêu thụ giảm 38% và vàng miếng giảm 29%. Mỗi năm trước đây Việt Nam nhập vài chục tấn vàng, có năm hơn 100 tấn nhưng nay không nhập chính thức. Vai trò của vàng trong nền kinh tế giảm đi nhiều, điều này là tất yếu trong xu thế chung trên thị trường hiện nay. Tình trạng vàng hóa cũng đã giảm rất nhiều khi thị trường vàng trong nước không liên thông với giá thế giới. Đây cũng là lý do mà giá vàng SJC cao hơn quốc tế lên mức kỷ lục 10 - 11 triệu đồng/lượng, tương ứng 20%.

Ở những năm trước đây, vàng miếng SJC cao hơn quốc tế 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi lượng thì thị trường có thể chấp nhận được, nhưng nay lên đến 20% là điều không chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh giao dịch trên thị trường với khối lượng ít, người dân không rồng rắn xếp hàng mua vàng. Ông Huỳnh Trung Khánh ví von: “Đến một giai đoạn nào đó, vàng như một món “đồ cổ”, “phiên bản đặc biệt” khi không còn được sản xuất nên mức giá “đắt đỏ” có thể còn tiếp tục đẩy ra xa hơn. Với mức giá vàng quá đắt sẽ khiến người tiêu dùng “chán quá không mua”. Thế nhưng ở chiều ngược lại, tại sao được giá vậy mà người có vàng không bán ra? Người nắm giữ vàng có tâm lý giá càng cao càng muốn nắm giữ, sợ bán ra rồi không mua lại được”.

Một hệ quả của việc giá vàng SJC cao hơn quốc tế lên đến mức kỷ lục 10 - 11 triệu đồng mỗi lượng là thị trường xuất hiện tình trạng vàng nhái SJC. Ông Huỳnh Trung Khánh cho hay hiệp hội có nghe báo cáo lại vấn đề vàng nhái trên thị trường và điều này thường hay xuất hiện khi giá trong nước cao hơn quốc tế. Để giải quyết những vấn đề trên, chỉ còn cách đưa ra một nguồn cung, lúc này giá sẽ giảm và cũng giải quyết được tình trạng vàng nhái. Giải pháp này xem ra là rất khó vì nhiều năm trở lại đây hiệp hội liên tục kiến nghị cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang nhưng chưa được chấp thuận. Nếu cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng sẽ đụng đến quan điểm trái ngược với chống vàng hóa, cũng như mất ngoại tệ khi thanh toán bằng USD cho phía đối tác nước ngoài. Ông Huỳnh Trung Khánh đề nghị: Cần có giải pháp làm cho giá vàng trong nước liên thông với quốc tế vì vai trò tiền tệ của vàng hiện nay đã không còn nữa, tình trạng vàng hóa cũng giảm đi rất nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.