Con sẽ sống vì có hàng trăm bà mẹ giữa đời - Kỳ 3: Những đứa con ít may mắn

30/07/2014 06:00 GMT+7

(TNO) 'Có hôm tôi đi tới phòng này nghe bé mất, đi qua phòng kia lại nghe bé mất, tôi không đi nổi nữa, ngồi ngoài sân khóc. Lúc ấy có người tưởng con tôi bị chuyện gì', chị Lê Thị Xuân Hương kể lại.

Con sẽ… ‘sống’ bởi hằng trăm bà mẹ giữa đời này - Kỳ 3: Những đứa con ít may mắn 1
Bé Én, một em bé bị não úng thủy ở Bạc Liêu, khi đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2 bé nằm cạnh An Nhiên. Mẹ của bé phải chịu cảnh ôm con ngủ trong một cái chòi tạm. Sau khi từ bệnh viện về, các bà mẹ đã đóng góp để mua đất, xây nhà cho Én. Cả sữa Én bú cũng do các mẹ từ TP.HCM tự vắt và gửi về tận nhà cho Én uống - Ảnh chụp màn hình

>> Con sẽ sống vì có hàng trăm bà mẹ giữa đời - Kỳ 2: Đó là một ngày của các con
>> Con sẽ sống vì có hàng trăm bà mẹ giữa đời

Hi vọng từ con

Có những em bé không còn cơ hội nào để tiếp tục tuổi thơ thần tiên của mình nữa.

Từ khi có diễn đàn là nơi để mọi người kết nối, gặp gỡ, nhóm hoạt động mạnh hơn. Trên tinh thần đồng lòng chung sức như những ngày đầu đến với An Nhiên, các mẹ bền bỉ cùng nhau đến với những đứa con khác.

Như trường hợp bé Én (tên các mẹ gọi cho con) nằm tại Phòng Cấp cứu, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng được các mẹ trong nhóm giúp đỡ. Chị Trần Thị Lượm - mẹ bé Én - bị bạo hành từ tháng thứ 5 vì chồng phát hiện thai nhi là con gái (trước đó chị cũng đã sinh 2 bé gái). Chị bị đuổi ra khỏi nhà từ đó, rồi chồng chị có vợ bé. Khi ly dị, chị bị chồng đe dọa không được tranh giành ngôi nhà.

 

Tôi phải tự làm thủ tục đưa bé ra, tự ký tên, nộp tiền, rồi liên hệ xe cấp cứu đưa con về. Cảm giác khi bế con ra khỏi phòng cấp cứu ấy làm nghẹn hết người mình lại. Mình không khóc nổi. Cái sinh linh ấy bé nhỏ quá, tím tái, cứng lại vì đã chết rồi,  chị Đặng Thùy Linh.

Bị đuổi, chị đi ở nhờ nhà này vài bữa, nhà kia dăm bữa, lúc thì về với mẹ già 80 tuổi. Đến ngày sinh, chị vào Bệnh viện Bạc Liêu sinh mổ, khi chị tỉnh dậy thì Én đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Én cũng bị thoát vị vùng thắt lưng phải mổ và hiện chân con đã bị liệt hoàn toàn.

Chị Trần Thị Lượm tâm sự: “Khó khăn quá, tôi chưa biết phải làm sao, tính ôm con ra trước Nhi đồng 2 để xin tiền thì may mắn gặp được chị Hương, cùng mọi người giúp đỡ”.

Một trang Facebook khác được lập ra với tên “Nhà cho Én” - đã được các mẹ tình nguyện theo trường hợp của Én chăm sóc con. Các mẹ không chỉ kêu gọi để giúp đỡ sữa tã, ra vào thăm nom Én, mà còn lên kế hoạch, tìm hiểu mua đất, thuê người để xây nhà cho mẹ và Én khi ra viện có chỗ mà về sống.

Sau này, khi chị Lượm đã sang được một chỗ bán ốc, những bà mẹ trong nhóm đã mua tủ lạnh, hằng tuần đi thu sữa mẹ, đóng gói, cấp đông, gửi xuống tận Bạc Liêu cho Én uống. Ban đầu bác sĩ lo Én sẽ không qua khỏi sau 2 tuần, nhưng đã 2 tháng trôi qua, tuy Én không chưa khỏe lên nhưng mẹ con Én giờ đã có một mái nhà để bên nhau.

Về bé gái Hoàng Thu Phương (3 tuổi, nằm ở Phòng Hậu phẫu, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2), nhà nghèo, trong một lần cả gia đình đèo nhau đi xe máy từ Bình Thuận vô Sài Gòn để chữa bệnh thì bị tai nạn giao thông, khiến bé bị dập não, nứt sọ.

Trước đó, lúc 4 tháng tuổi thì bé Phương trải qua một cuộc phẫu thuật tim để vá 3 lỗ thủng to. Đến 2 tuổi, thì gia đình phát hiện bé không thể nghe nói được. Hiện bé đã bị liệt đối bên, biến chứng thì chưa biết chắc chắn, vết mổ dài bao hết đầu. Chị Hương cùng mọi người đang kêu gọi giúp đỡ bé.

Con sẽ… ‘sống’ bởi hằng trăm bà mẹ giữa đời này - Kỳ 3: Những đứa con ít may mắn 2
Hình ảnh quen thuộc của mẹ ở nhóm An Nhiên, trong ngày đi thăm con - Ảnh: Thanh Vạn

Con sẽ… ‘sống’ bởi hằng trăm bà mẹ giữa đời này - Kỳ 3: Những đứa con ít may mắn 3
Diễn đàn Các bố mẹ đồng hành cùng An Nhiên là nơi để các bố mẹ gặp nhau, chia sẻ tình hình bệnh của các con và thay nhau đến tận nơi chăm sóc, ngủ cùng con - Ảnh chụp màn hình

Bé Anh Văn bị cậu ruột bệnh tâm thần chém vào đầu. Hiện bé đã được mổ lắp lại hộp sọ, được gửi nuôi bên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, sức khỏe dần ổn định. Tuy nhiên, bé vẫn còn di chứng sau mổ não, bị di chứng đối bên làm cho tay và chân trái rất yếu (hầu như không cử động), các ngón tay quắp vào, chân thì không đi được. Các bác sĩ nói vẫn có cơ hội hồi phục nếu chăm tập vật lý trị liệu, các mẹ trong nhóm cũng hay thăm nom và trao tiền các mệnh thường quân giúp đỡ bé.

 

Theo nguyên tắc của nhóm An Nhiên, các bé đã được nhận sự chăm sóc sẽ được lo đến khi xuất viện. Nếu bé khỏe, các bà mẹ An Nhiên sẽ căn cứ trên tình hình viện phí,  sức khỏe mà góp thêm tiền cho bé về quê có tiền sữa trong giai đoạn đầu. Những em bé không qua khỏi cũng được các mẹ theo về lo ma chay (nếu gần TP.HCM) hoặc gửi trả tiền xe, tiền ma chay... để giúp các cha mẹ nghèo.

Tiễn con về yên nghỉ

Từ ngày chọn việc ra vào bệnh viện hằng ngày, các mẹ của nhóm An Nhiên coi tôn chỉ “lo trọn vẹn cho từng ca bệnh” là điều quan trọng nhất.

Với em bé Nguyễn Trung Hòa (3 tuổi), nhiều mẹ trong nhóm An Nhiên đã dành thời gian ra vào với bé. Bé bị bệnh tay chân miệng, nhưng phát hiện trễ, khi virut đã ăn hết phần não phía sau. Bé không tự thở được mà phải thở máy. Sau đó, bệnh viện có phương án cai máy cho con, để bé tập tự thở vài tiếng trong ngày.

Chị Hương kể: “Lúc đó, tụi tôi đã nhắm theo con điều trị dài lâu luôn”. Nhưng chỉ được một thời gian, buổi sáng định mệnh hôm ấy, mẹ của bé Hòa gọi. Các chị vào khi bé bị tím tái, không thở được cũng không cứu kịp nữa. Hóa ra đêm trước mẹ bé mệt quá ngủ say, bé cũng ngủ say, bị tuột ống thở mà không biết.

Hôm ấy chị Hương theo mẹ đưa bé về tận nhà, mang theo phần tiền, nhang mà các chị khác trong nhóm An Nhiên gửi.

Chị Đặng Thị Thùy Linh cũng đã đưa hai bé về khi đã ngừng thở. Một em bé là người dân tộc ở Bình Thuận; mẹ bé bị bố đánh đập bỏ rơi. Đứa bé 2 tuổi mà nặng có 5 kg. Bé bị đói và suy kiệt vì nhà quá nghèo. Người mẹ hốt phân bò kiếm sống, chỉ đủ đong gạo. Bé nằm ở Khoa Hồi sức chống độc, nhưng chỉ được ít bữa là bé tím lạnh đi, bác sĩ nói không qua khỏi.

Chị Linh kể: “Tôi phải tự làm thủ tục đưa bé ra, tự ký tên, nộp tiền, rồi liên hệ xe cấp cứu đưa con về. Cảm giác khi bế con ra khỏi phòng cấp cứu ấy làm nghẹn hết người mình lại. Mình không khóc nổi. Cái sinh linh ấy bé nhỏ quá, tím tái, cứng lại vì đã chết rồi”. Chuyến về nhà hôm ấy có xe cấp cứu của các bà mẹ An Nhiên thuê cho con, có cả tiền lo ma chay, nhưng bộ quần áo bé mặc - đẹp nhất trong cả cuộc đời ngắn ngủi của bé - lại chỉ là bộ đồ cũ kỹ, bèo nhèo mà mẹ bé còn lại để mặc cho con.

Nhưng dù có phải khóc khi tiễn con ra xe về quê, dù không chịu nổi khi nhìn đứa trẻ lạnh dần trong tay mình, những bà mẹ trong nhóm An Nhiên giờ vẫn hằng ngày, hằng tuần thay nhau, đến để nhìn các con, chăm sóc cho các con và cùng trông đợi đến ngày con xuất viện.

Những bà mẹ này đang chung tay giúp những đứa con có nhiều hy vọng hơn để được sống...

Lê Cầm - Khải Đơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.