'Cơn sốt' cước tàu biển mở rộng sang nhiều tuyến châu Á

14/06/2024 06:20 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu "kêu trời" vì tình trạng cước tàu biển tăng đang có nguy cơ mở rộng sang nhiều tuyến châu Á.

Tuyến châu Á cũng tăng

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Maritime Services, cho biết: Cơn sốt giá cước tàu biển hiện nay do Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 8. Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu Trung Quốc và cả nhà nhập khẩu của Mỹ muốn đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu trước thời hạn trên nhằm tránh bị đánh thuế. Phía các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc sẵn sàng trả giá đến 1.000 USD cho 1 chỗ trên tàu, trong khi VN chỉ trả 600 USD.

Để tránh thiệt hại khi cước tăng cao, một số nhà xuất khẩu đã thương thảo với đối tác hoãn thời gian giao hàng với hy vọng sắp tới cước sẽ giảm. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành, có thể cước sẽ tăng mạnh vào giữa cuối tháng 6. Nguyên nhân là các hãng tàu ưu tiên xử lý các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc có nguy cơ bị áp thuế cao khi xuất khẩu vào Mỹ; sau đó mới xử lý đến lượng hàng đang tồn đọng ở Singapore và Dubai.

"Dù cho anh có đặt trước, thậm chí có hạ hàng trước, nhưng anh không chấp nhận trả giá ngang bằng hoặc cao hơn thì phải chấp nhận bị trì hoãn hoặc hủy đặt tàu", bà Kim Huyền nói.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp (DN) ngành logistics, hầu hết chuyến tàu từ châu Á đến châu Âu vẫn đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến hành trình kéo dài thêm từ 9 - 14 ngày, để tránh xung đột ở Biển Đỏ. Đồng thời việc gây nên tình trạng ùn tắc ở một số cảng biển như Tangier (Ma Rốc) hay Algeciras (Tây Ban Nha) vì những nơi này đột nhiên trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa các tàu. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên tuyến đường biển Á - Âu ngày càng gia tăng. Không chỉ các tuyến đi Mỹ và EU mà nhiều tuyến trong khu vực châu Á cũng đang lên cơn "sốt". Cụ thể như cước tàu từ Trung Quốc về VN tăng lên 800 - 900 USD/container 40 feet, tăng gấp 5 lần so với trước. Điều này khiến chi phí đầu vào của DN VN tăng đáng kể.

'Cơn sốt' cước tàu biển mở rộng sang nhiều tuyến châu Á- Ảnh 1.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, thông tin: Cước tàu lên "cơn sốt" khoảng gần một tháng nay, bắt đầu từ các tuyến đi Mỹ, EU và bây giờ mở rộng sang tới tuyến đi Ấn Độ. Trong đó, cước tàu biển đi Mỹ tăng gần gấp đôi, còn các tuyến còn lại tăng gấp rưỡi. Ngoài nhu cầu vận chuyển tăng đột biến vì căng thẳng kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, thì các hãng tàu cũng tận dụng cơ hội để tăng lợi nhuận.

"Việc tăng giá hiện nay tạo áp lực rất lớn lên cộng đồng DN về chi phí logistics. Chúng tôi đã có báo cáo tình hình đến các cơ quan chức năng như Cục Hàng hải (Bộ GTVT), Bộ Công thương để theo dõi và có biện pháp điều hành phù hợp. Tuy nhiên, việc cước tàu biển quốc tế tăng là một khó khăn lớn và rất khó khắc phục vì chúng ta phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài. Chúng tôi cũng đã đề xuất một số giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho DN như giảm các loại phí liên quan trong chuỗi chi phí logistics như cảng biển, phí bốc dỡ hàng hóa...", ông Hiệp chia sẻ.

Doanh nghiệp xuất khẩu "kêu trời"

Trước tình hình trên, Cục Hàng hải VN có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường giám sát giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển. Giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước châu Âu và Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD đối với container 40 feet trong tuần qua. Kèm theo đó là tình hình tắc nghẽn cảng biển tại một số cảng tại châu Á và mất cân bằng vỏ container phục vụ hàng xuất nhập khẩu.

Đáng nói, cước tàu biển tăng trong bối cảnh những tháng đầu năm 2024, nhiều ngành xuất khẩu thế mạnh của VN đã tăng trưởng trở lại với tốc độ đạt tới 2 con số. Cụ thể như kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 6 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), thừa nhận dù kim ngạch tăng trưởng và tín hiệu khởi sắc xuất hiện, nhưng tình hình khó khăn vẫn chưa hết. Hiện các DN không có đơn hàng số lượng lớn mà chỉ nhỏ giọt. Có trường hợp, cùng số lượng hàng hóa đó, trước đây người mua chỉ đặt một đối tác, nay họ chia cho nhiều nhà cung cấp hơn. Do đó giá cả của các nhà cung cấp phải rất cạnh tranh. Vì vậy, DN chỉ nhận đơn hàng để duy trì hoạt động chứ rất khó kiếm lợi nhuận như trước. Đã thế, giá cước vận tải tăng, đặt được tàu cũng là việc rất khó khăn. Có thể nói là khó chồng khó.

"Quý 3 hằng năm là thời gian quan trọng khi các nhà mua hàng Âu - Mỹ chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Việc cước tàu tăng, nếu kéo dài sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng và kế hoạch mua hàng của các nhà nhập khẩu. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tính toán và tiết giảm chi phí đến mức tối đa để hạ giá thành sản phẩm; nhưng việc cước tàu biển tăng nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng tôi, nên tác động là rất khó lường", ông Trần Quốc Mạnh lo lắng.

Tương tự ngành gỗ, các DN ngành may mặc và da giày còn chịu tác động kép của cước tàu biển tăng khi phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu để sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, than: "Cước tàu tăng ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận chuyển hàng hóa và là một yếu tố cấu thành giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay thị trường khởi sắc nhưng giá bán sản phẩm không tăng, mà khách hàng lại đòi hỏi cao hơn. Ngoài vấn đề chất lượng thì họ yêu cầu mẫu mã mới, đẹp và số lượng ít… Chính vì vậy, dù bán được hàng nhưng lợi nhuận thật sự của DN không có. Việc cước tàu tăng mạnh có thể làm đội giá sản phẩm khiến sức mua không đạt như kỳ vọng".

Cước tàu biển VN đi Trung Quốc 0 đồng có "dễ ăn" ?

Trong khi cước tàu biển đang tăng ở nhiều tuyến thì một số DN logistics cho biết cước tàu biển từ VN đi Trung Quốc có giá 0 đồng. Hiện tượng này là do phía Trung Quốc đang hút container rỗng về để DN của họ chủ động trong việc xuất khẩu.

Giải thích về hiện tượng này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, nói: Cước tàu biển thường gồm 2 phần là cước đường biển cơ bản và phụ phí. Trong đó phụ phí bao gồm rất nhiều thứ như: cước phí bốc dỡ hàng hóa tại cảng (THC), phí tỷ giá chuyển đổi… gọi chung là phụ phí địa phương (local charges). Người ta thường phân chia ra đến 6 - 7 loại phí để thấy giá có vẻ thấp. Có bên nào báo cước cơ bản 0 đồng thì phụ phí địa phương sẽ rất cao.

Một DN ở TP.HCM khẳng định: "Nếu bên nào báo cước 0 đồng thì đó chỉ là cước cơ bản, tổng các loại phí khác có liên quan còn cao hơn giá bình thường mà chúng tôi đang có. Đây không phải là chuyện mới trong ngành vận tải biển".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.