Cơn sốt đất tại dự án thủ đô mới của Indonesia

15/03/2023 13:46 GMT+7

Dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia đang tạo nên cơn sốt đất giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng nhưng cũng khiến nhiều người khác lâm vào cảnh khó khăn.

Năm 2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố kế hoạch dời đô từ Jakarta trên đảo Java sang một địa điểm mới tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại những khu vực kém phát triển.

Thủ đô mới mang tên Nusantara, rộng gần 260.000 hecta với kinh phí xây dựng là 32 tỉ USD. Dự án đã tạo nên cơn sốt đất ở khu vực trước đây hầu như là rừng, xen kẽ với các khu đồn điền, mỏ than và một số ngôi làng, theo Reuters ngày 15.3.

Vị trí thủ đô mới của Indonesia

Vị trí thủ đô mới của Indonesia

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIA

Giàu lên nhanh chóng

Theo Reuters, những tấm bảng rao bán đất được treo trên từng ki lô mét dọc theo con đường đất bụi bặm ngay bên ngoài khu vực được quy hoạch làm trung tâm thành phố. Ông Junaidin, trưởng làng Tengin Baru với khoảng 4.000 cư dân ở khu phát triển Nusantara, cho biết giá đất khu vực gần một hồ trữ nước đã tăng gấp 16 lần trong vài năm qua. Như nhiều người Indonesia khác, ông Junaidin tên chỉ có một từ duy nhất.

Mặc dù chính quyền đã ngừng cấp phép cho việc mua bán đất để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, ông Junaidin cho biết những vụ sang tay chui vẫn diễn ra.

Cơn sốt đất tại dự án thủ đô mới của Indonesia - Ảnh 2.

Xe tải tại đồn điền trồng cọ gần dự án xây thủ đô mới của Indonesia

REUTERS

Ông Rizki Maulana Perwira Atmadja, trưởng làng Sukaraja, cho biết giá đất quanh làng của ông, nơi chỉ cách dinh tổng thống mới 10 km, đã tăng 4 lần. Một số nông dân bỗng chốc giàu lên, mua xe hơi mới sau khi bán được các lô đất trồng cọ hoặc cao su.

Nhà trọ và quán cà phê của ông Rizki phía trước một rừng cọ cũng phất lên nhờ công nhân đến đây để làm việc trong dự án mới. Ở gần đó, nhiều nhà dân cũng mở hàng quán để bán cho công nhân.

Indonesia dời đô, tên thủ đô mới sẽ là gì?

Hiện nay, hơn 7.000 công nhân đang làm việc tại dự án và hàng ngàn người nữa dự kiến được tăng cường trong năm nay.

Nhiều người trong các ngành nghề khác cũng đến đây để tìm công việc. ông Alpian (55 tuổi), cho biết đã nghỉ việc ở mỏ than để bán nước sạch tại khu vực dự án Nusantara, giúp ông tăng gấp đôi thu nhập so với trước.

Cơn sốt đất tại dự án thủ đô mới của Indonesia - Ảnh 3.

Khu vực của bộ tộc Balik gần dự án thủ đô mới của Indonesia

REUTERS

Tranh cãi về đền bù

Cơn sốt đất là cơ hội với người này nhưng cũng là thách thức đối với người khác. Cô Yati Dahlia, thuộc bộ tộc bản địa Balik, cho biết chưa thể tìm được miếng đất giá cả phù hợp để dọn nhà do căn nhà hiện tại nằm trong khu vực sẽ bị giải tỏa để xây trụ sở chính quyền mới.

Theo cô Yati, giá một lô đất có kích thước tương đương nhà cũ đã tăng từ 700 triệu rupiah lên 1,2 tỉ rupiah (1,07 tỉ đồng lên 1,84 tỉ đồng) ở khu vực ngay phía ngoài trung tâm Nusantara, cao gấp 10 lần so với số tiền mà chính phủ bồi thường.

Các thành viên bộ tộc đã kêu gọi bồi thường thỏa đáng hơn nhưng nhiều người trong số họ không có đủ giấy tờ sở hữu đất phù hợp nên khó thương lượng. Tộc trưởng Sibukdin (60 tuổi) cho biết nhiều người vẫn không chịu rời khỏi mảnh đất quê hương.

Cơn sốt đất tại dự án thủ đô mới của Indonesia - Ảnh 4.

Ông Sibukdin, tộc trưởng Balik, trong nghĩa trang của làng

REUTERS

Nhiều dự án lớn tại Indonesia đã bị trì hoãn do vấn đề giải tỏa đền bù, gồm dự án đường sắt cao tốc trị giá 7 tỉ USD tại đảo Java và dự án tàu điện ở Jakarta.

Tuy nhiên, nhà chức trách Nusantara nói rằng việc đầu cơ đất không nên ảnh hưởng các kế hoạch phát triển. Họ cho rằng việc bồi thường đất được định giá công bằng thông qua một tổ chức độc lập. "Chính quyền không tự quyết định giá và người dân cũng vậy. Nếu tranh cãi xảy ra, nó sẽ được giải quyết thông qua tòa án", thư ký Achmad Jaka Santos Adiwijaya của nhà chức trách Nusantara nói với Reuters.

Văn phòng Tổng thống Widodo nói toàn bộ vấn đề liên quan giải tỏa đền bù đã được giải quyết và tiền đền bù sẽ được chuyển cho người dân trong tháng 3.

Theo kế hoạch được Tổng thống Widodo đề ra, Nusantara sẽ được công bố là thủ đô mới trong nửa đầu năm 2024. Các tòa nhà chính phủ phải được xây xong trước tháng 8.2024. Hơn 16.000 công chức, cảnh sát và binh sĩ sẽ chuyển từ Jakarta sang Nusantara trong năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.