NFT (Non-Fungible Token) hay token không thể thay thế là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain - công nghệ sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm. Nhờ đặc tính này, NFT trở thành loại tài sản độc nhất vô nhị, không thể sao chép hay làm nhái.
Vài tháng qua, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền "khủng" lên đến hàng chục triệu USD để sở hữu các vật phẩm NFT. "Cơn sốt" này không chỉ khuấy động cộng đồng đầu tư, mà còn lan rộng sang giới nghệ thuật. Hàng loạt nghệ sĩ bắt đầu hướng đến việc phát hành tác phẩm dưới dạng NFT.
Nhộn nhịp thị trường mua bán tác phẩm NFT
Đoạn video dài vỏn vẹn 10 giây của nghệ sĩ Beeple là một trong số những tác phẩm NFT "làm mưa làm gió" gần đây. Tháng 10.2020, nhà sưu tập Pablo Rodriguez-Fraile chi gần 67.000 USD (hơn 1,5 tỉ đồng) để mua đoạn video. Cuối tháng 2.2021, người này bán lại tác phẩm với giá 6,6 triệu USD (hơn 151 tỉ đồng). Một tác phẩm NFT khác của Beeple là bức tranh Everyday: The First 5.000 Days cũng thu về số tiền khổng lồ 69,3 triệu USD (gần 1.600 tỉ đồng).
|
Thị trường giao dịch tác phẩm NFT nhộn nhịp nhờ sự xuất hiện của nhiều gương mặt nghệ sĩ. Ca sĩ Grimes - bạn gái tỉ phú Elon Musk kiếm được 5,8 triệu USD (hơn 133 tỉ đồng) trong vòng chưa đầy 20 phút nhờ bán bộ sưu tập tranh và video âm nhạc NFT. DJ đình đám Steve Aoki nhanh chóng bắt kịp trào lưu khi tung ra đoạn video có một nhân vật hư cấu nhảy múa theo nền nhạc do chính anh sáng tác.
Làn sóng mua bán NFT ảnh hưởng đến cả các nước châu Á. Dịp tết Nguyên đán 2021, hãng thời trang RTFKT trình làng mẫu giày thể thao NFT lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Quốc. Mới đây, nhóm nhạc nam A.C.E ở Hàn Quốc chuẩn bị giới thiệu bộ sưu tập 106 thẻ ảnh kỹ thuật số vào cuối tháng 4. Hoạt động giúp A.C.E trở thành nghệ sĩ xứ kim chi đầu tiên phát hành ấn phẩm dạng NFT.
Người săn đón, kẻ ngại rủi ro
Sun Bohan - CEO nền tảng BlockCreateArt (BCA) chuyên mua bán tác phẩm NFT ở Trung Quốc cho biết, nghệ thuật mã hóa dưới dạng NFT là xu hướng mới nổi được hình thành từ sự "kết nối giữa nghệ thuật và các nền tảng dựa trên blockchain, giữa văn hóa và công nghệ", theo Coindesk. Sức hút từ thị trường mua bán tác phẩm NFT đang mở ra cơ hội mới cho các tác phẩm nghệ thuật trong thời đại số.
Blockchain là công nghệ lưu trữ, truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Công nghệ chứng thực trên blockchain ngăn chặn vấn đề đạo nhái, giúp nghệ sĩ yên tâm sở hữu bản quyền "đứa con tinh thần" của mình, còn người sưu tầm cũng dễ dàng truy xuất nguồn gốc tác phẩm. Việc bán tác phẩm dưới dạng NFT không cần thông qua bên thứ ba (sàn đấu giá, phòng trưng bày...) cũng giúp tác giả giữ lại một phần lợi nhuận đáng kể.
|
Bên cạnh giá trị sở hữu cao, nhiều người lo ngại quá trình giao dịch tác phẩm nghệ thuật NFT chứa đựng rủi ro. Một số khán giả lên tiếng phản đối A.C.E trình làng bộ sưu tập thẻ ảnh NFT, theo SCMP. Họ cho rằng các fan của nhóm nhạc đa phần trẻ tuổi, thậm chí dưới 18 tuổi, chưa đủ hiểu biết để tham gia mua bán ấn phẩm kỹ thuật số.
Mặt khác, các sàn NFT đều liên kết với hoạt động khai thác tiền điện tử, vốn tiêu tốn lượng điện năng lớn, dẫn đến tác động xấu cho môi trường. Vì thế, việc A.C.E tham gia vào cuộc chơi NFT có thể đi ngược lại những thông điệp bảo vệ môi trường trước đó của nhóm. Năm 2020, ban nhạc được vinh danh tại Giải thưởng Dịch vụ Môi trường Hàn Quốc.
Phản hồi dư luận, đại diện The Worldwide Asset eXchange (WAX) - đơn vị hợp tác với A.C.E để phân phối bộ sưu tập thẻ ảnh sắp tới giải thích rằng, hệ thống blockchain của họ được thiết kế để tiết kiệm năng lượng. Dù vậy, người hâm mộ vẫn bày tỏ lo lắng về đợt phát hành này.
Tương lai của tác phẩm NFT sẽ về đâu?
Khi tờ Jing Daily hỏi về tương lai của tác phẩm NFT, người đại diện RTFKT - hãng thời trang thu về 3,1 triệu USD (gần 70 tỉ đồng) chỉ nhờ bán một đôi giày ảo, trả lời rằng mọi thứ thật khó đoán. Tuy nhiên, công nghệ blockchain sẽ tồn tại dài lâu bởi nó hướng đến sự an toàn, tính bảo mật và quyền sở hữu duy nhất.
Người này nhấn mạnh thêm, nếu muốn tiến sâu vào lĩnh vực NFT, nghệ sĩ không chỉ đơn thuần tạo ra những bộ sưu tập ảo. Sự độc đáo làm nên giá trị bền lâu cho tác phẩm. Ngoài ra, trải nghiệm mua bán NFT cũng cần đến tương tác giữa nghệ sĩ và người sưu tầm.
|
Trong khi đó, nhiều người lo ngại NFT chỉ là trào lưu "sớm nở tối tàn", biến tác phẩm thành món hàng ảo được mua đi bán lại vì lợi nhuận "khủng". Điều này dẫn đến nguy cơ đánh mất trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật thuần túy. Theo trang Business Insider, không ít chuyên gia còn đưa ra cảnh báo giao dịch NFT giống như "bong bóng đầu cơ", chực chờ nổ bất kỳ lúc nào. Vì thế, mọi người cần cần thận trọng khi gia nhập thị trường này.
Bình luận (0)