Cơn sốt vàng ở đảo Sumatra

23/06/2017 11:40 GMT+7

Người dân nghèo từ bỏ nghề truyền thống để đổ xô đi đào vàng trái phép ở đảo Sumatra của Indonesia, bất chấp luật pháp và mối đe dọa sức khỏe.

Tỉnh Jambi trên đảo Sumatra thời gian gần đây trở thành điểm nóng của nạn khai thác vàng trái phép tràn lan. Chính quyền địa phương đang áp dụng nhiều biện pháp từ truy quét bất ngờ cho đến giáo dục ý thức, vận động người dân từ bỏ mỏ vàng trái phép để làm nghề khác. Dù vậy, nhiều người nghèo vẫn lao đầu vào con đường phi pháp vì đào vàng giúp họ có nguồn thu nhập dù thấp nhưng vẫn tốt hơn so với việc cạo mủ cao su.
Bất chấp nguy hiểm
Đa số người dân ở tỉnh Jambi làm việc trong những đồn điền cao su, nhưng kể từ khi giá cao su sụt giảm trong 2 năm gần đây làm ảnh hưởng đến thu nhập, họ chuyển sang đào vàng. “Năm nay rất khó khăn bởi có nhiều ngày chúng tôi chẳng tìm thấy vàng. Nhưng vẫn tốt hơn là cạo mủ cao su với tiền công rẻ mạt”, ông Iwan (43 tuổi), đang làm việc tại một mỏ vàng trái phép gần sông Tabir, nói với AFP.

tin liên quan

Đào vàng tại nơi lạnh nhất trái đất

Sự cạn kiệt các khoản tiền gửi bằng vàng, cùng đồng rúp mất giá, khiến nước Nga phải mở rộng hoạt động khai thác vàng tại một trong những nới có khí hậu khắc nghiệt nhất Trái Đất.


Đào vàng bùng nổ ở Jambi trong những năm gần đây với khoảng 100 mỏ trái phép. Những người khai thác lậu ngày càng trở nên táo tợn và ngang nghiên sử dụng các máy xúc hoặc chặt đốn rừng bừa bãi mà không sợ bị chính quyền phát hiện. Đến nay, chính phủ vẫn chưa công bố số liệu chính thức, nhưng Cơ quan Chương trình môi trường LHQ (UNEP) ước tính có khoảng 300.000 người làm việc tại 1.000 mỏ vàng trái phép ở khắp Indonesia. Trong khi đó, theo Đài National Geographic, con số người khai thác vàng có thể trên 1 triệu. “Tất cả số vàng khai thác trái phép được tiêu thụ ở thị trường chợ đen. Môi trường bị hủy hoại, sức khỏe con người bị đe dọa vì thủy ngân, đất nước không thu được thuế, giá vàng nhảy múa. Đó là mối quan ngại của chúng tôi”, ông Rustam Saenong, một quan chức Bộ Tài nguyên - Khoáng sản - Năng lượng Indonesia, cho biết.
Không chỉ phá hoại môi trường, phu vàng còn phải đánh đổi sức khỏe và mạng sống của họ. Đun thủy ngân để tách lấy vàng là biện pháp phổ biến nhưng gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ thần kinh con người. Các chuyên gia cho biết để tách được 2 gr vàng cần đến 2 kg thủy ngân, nên hằng năm mỗi mỏ vàng thải ra hàng chục tấn chất độc hại này. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thủy ngân nhiễm vào nguồn nước hoặc thực phẩm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng bao gồm dễ sẩy thai, sinh con dị tật và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Chính vì thế, chính quyền tỉnh Jambi đã tăng cường chống khai thác vàng trái phép trong những tháng gần đây, tiến hành các cuộc truy quét song song với chương trình giáo dục ý thức. Chính quyền tái bổ nhiệm tất cả trưởng thôn, chỉ chọn người quyết chống khai thác trái phép, đồng thời tổ chức nhiều lớp đào tạo kỹ thuật canh tác nông nghiệp miễn phí với hy vọng lôi kéo người dân tránh xa mỏ vàng trái phép.
Cơ quan chức năng bất lực
Các quan chức ở Jambi nhận thấy truy quét không phải là giải pháp dứt điểm. Thay vì cấm đoán, họ quyết định cấp giấy phép hoạt động. Cá nhân hoặc nhóm người có thể đăng ký giấy phép đào vàng tại khu vực do chính quyền quy hoạch và phê chuẩn, được gọi là “Vùng khai thác của nhân dân”, ông Karel Ibnu Suratno - một quan chức cấp cao chính quyền Jambi - cho hay. Bằng cách này, cơ quan chức năng có thể kiểm soát hoạt động khai thác, giới hạn thiệt hại môi trường và thu được thuế đóng góp cho ngân sách, theo ông Suratno. Không chỉ vậy, người dân nghèo sẽ có thu nhập thật sự, hơn là phải nhận lương thấp từ những tay trùm đứng sau mỏ vàng trái phép, ông Suratno lưu ý.
Dù sáng kiến “Vùng khai thác của nhân dân” được đánh giá mang tính đột phá, nhưng kể từ khi áp dụng chỉ có vài giấy phép được cấp. Các quan chức chính quyền ở Jambi còn phải đối mặt nguy cơ bị trả thù vì những đợt truy quét. Gần đây, sau khi nhiều đối tượng bị bắt vì buôn vàng khai thác trái phép, bọn tội phạm đã đốt đồn cảnh sát địa phương để trả đũa.
Các nhà hoạt động xã hội cho rằng nhắm vào phu vàng đi làm thuê không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải bắt được những tên trùm. Tuy nhiên, do cơ hội việc làm tại nhiều khu vực ở tỉnh Jambi quá ít, nên người dân không còn lựa chọn nào khác. “Giờ đây tôi chỉ biết mỗi việc đào vàng để kiếm sống”, Iwan chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.