Con thơ sao phải đến tòa...

13/05/2018 09:02 GMT+7

Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm, hình ảnh một bị cáo ôm đứa trẻ sơ sinh chưa đầy tháng tuổi trong phòng xử án gây nhói lòng người.

Hình ảnh ấy xuất hiện 1 ngày, 2 ngày rồi 3 ngày làm nhức nhối phiên xử. Nhiều người dự khán lúc đầu nghi ngại, dò xét, rồi từ thương cảm cho đứa trẻ có người chuyển sang phẫn nộ về người mẹ.
Người mẹ - bị cáo ôm con đến tòa là Bùi Thị Kim Loan (40 tuổi, nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ).
Vì đâu nên nỗi?
Gần 1 tuần xét xử, Loan bồng con ra tòa, ngoài việc được chủ tọa thẩm tra lý lịch, bị cáo này vẫn chưa bị thẩm vấn. Những người dự khán biết về Loan thông qua cáo trạng, rằng đây là trợ thủ đắc lực của bị cáo Hứa Thị Phấn, giúp sức bị cáo Phấn lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái…, gây thiệt hại của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) hơn 6.300 tỉ đồng.
Tìm hiểu thêm, PV được biết Loan bị bắt ngày 26.9.2017, khi đó đang mang thai. Đến ngày 12.3.2018, Loan được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại chờ xét xử. Ngày 17.4.2018, Loan sinh non (dự sinh ngày 11.5) bé gái thì ngày 8.5 vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TP.HCM.
Những ngày Loan ôm con lên tòa là những ngày ai tham dự phiên xử cũng thấy giằng xé cảm xúc, vì đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi biết gì đâu, sao đã phải hít thở bầu không khí công đường
 

Sinh con chưa đầy tháng, vẫn đang trong thời gian ở cữ nên Loan cùng luật sư (LS) bào chữa có đơn kiến nghị xin hoãn phiên tòa để bị cáo có thời gian nghỉ dưỡng, hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý sau sinh. Không đồng ý hoãn phiên tòa nhưng chủ tọa cho phép Loan làm đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo không đồng ý, bảo muốn có mặt tại tòa, muốn được trực tiếp khai, trình bày nội dung vụ án vì cho rằng cáo trạng chưa phản ánh đúng sự thật, đúng bản chất của vụ án.
Lý giải việc không giao con cho người nhà chăm nom, Loan trình bày chồng bị cáo và là cha đứa bé cũng đang là bị cáo trong vụ án này (bị cáo Nguyễn Kim Thanh, nguyên nhân viên Công ty CP Phú Mỹ Á Châu, nguyên Phó phòng Đầu tư TrustBank). Bị cáo còn một con 12 tuổi và 3 tuổi đang nhờ mẹ chồng trông giúp. Mẹ ruột bị cáo thì do vừa mổ thận, sức khỏe yếu nên bị cáo không thể gửi con cho bà.
Cứ thế, mỗi lần đến tòa, Loan đều ôm con vào lòng, ôm con đi vào phòng xử trước ánh mắt ái ngại của nhiều người. Người thương thì bảo HĐXX vô tâm, vô cảm; người khác lại trách Loan sao lấy con ra để tạo sự thương cảm của mọi người. Những ngày Loan ôm con lên tòa là những ngày ai tham dự phiên xử cũng thấy giằng xé cảm xúc, vì đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi biết gì đâu, sao đã phải hít thở bầu không khí công đường…
Tòa đã làm những gì có thể
Ngày cuối cùng của tuần đầu tiên trong phiên xử, không còn thấy hình ảnh bị cáo Loan ôm con đến tòa. Hỏi ra mới biết, sáng 10.5, chủ tọa yêu cầu lực lượng dẫn giải, nếu Loan đến tòa thì không cho bị cáo ôm con vào phòng xử. Chỉ khi nào bị cáo giao con cho bác sĩ, điều dưỡng thì mới được vào phòng xử án. Trường hợp bị cáo cố tình không giao thì HĐXX sẽ xem đây là trường hợp vắng mặt không lý do.
Theo HĐXX, để tạo điều kiện cho bị cáo, HĐXX cho phép được xử vắng mặt nhưng bị cáo không đồng ý. Bị cáo đến tòa, HĐXX cho phép vắng mặt ở những nội dung không liên quan đến bị cáo. Còn thông tin tại phiên xử, LS bào chữa cho bị cáo có thể phổ biến lại để bị cáo cập nhật.
Loan vẫn bồng con đến tòa. HĐXX phải bố trí một phòng chăm sóc đặc biệt phía sau phòng xử, có bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc cho con bị cáo khi bị cáo phải tham gia thẩm vấn.
Nhưng bị cáo và LS bào chữa cho rằng phòng được chủ tọa sắp xếp cho mẹ con bị cáo là phòng đang được sửa chữa, đầy bụi và tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con. LS của bị cáo kiến nghị HĐXX sắp xếp thời gian nhất định để bị cáo được thẩm vấn, được trình bày một lần, vì để ngày nào bị cáo cũng lên tòa ngồi cả ngày, chờ đợi đến lúc bị cáo được thẩm vấn.
"Gọi là phòng chăm sóc đặc biệt nhưng do trụ sở tòa án đang sửa chữa nên phòng, cơ sở chăm sóc cháu bé sẽ không đầy đủ như tại bệnh viện. Song tòa đã làm những gì có thể để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cháu bé rồi", chủ tọa chia sẻ. Về kiến nghị của LS bào chữa cho bị cáo Loan, chủ tọa cho biết bị cáo sẽ được thẩm vấn cuối cùng của vụ án, sau khi HĐXX, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, các LS thẩm vấn xong các bị cáo, người liên quan.
Có thể nói, thái độ của HĐXX khá quyết đoán, nhưng cũng là hợp lý và nhân văn trong trường hợp của bị cáo Loan. Và trước quyết định này, cuối cùng bị cáo Loan chọn cách ở nhà chăm sóc con nhỏ, khi được HĐXX thông báo thời gian thẩm vấn cụ thể, bị cáo sẽ đến tòa để được trình bày.
 
Tòa không sai
Theo LS Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP.HCM), lý do bị cáo Loan và LS của mình đưa ra là đang trong thời gian ở cữ, vừa sinh con để xin hoãn phiên tòa không phải là một trong những lý do để hoãn phiên tòa theo luật định, nên tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử là không sai. “Hơn nữa, vụ án còn liên quan đến nhiều bị cáo khác, hàng trăm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên việc cho hoãn phiên tòa không đúng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi những người này. Các giải pháp tòa đưa ra để bảo đảm sức khỏe, quyền lợi cho hai mẹ con của bị cáo Loan cũng thể hiện HĐXX cố gắng tạo điều kiện tối đa cho bị cáo, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật”, LS Vũ nói.
Ngoài ra, LS Vũ cho biết, trường hợp HĐXX tuyên bị cáo Loan phạm tội, các quy định pháp luật hiện hành đều quy định tính nhân đạo đối với phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi. “Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi… mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Bộ luật Hình sự 2015 quy định phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là một trong những tình tiết giảm nhẹ khi HĐXX quyết định hình phạt, đồng thời sẽ được hoãn chấp hành hình phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi”, LS Vũ phân tích và một lần nữa nhấn mạnh HĐXX đang hết sức tạo điều kiện cho bị cáo Loan nuôi con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.