Những người quan tâm có lẽ đang có chung câu hỏi: trong suốt hơn 1 năm qua, dù khối lượng chỉ còn lại hơn 1%, tổng thầu EPC (thiết kế, cung ứng, thi công) - Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đang làm gì mà chưa thể đưa dự án về đích?
Vướng mắc lớn nhất của 1% khối lượng nằm ở khâu nghiệm thu, đăng kiểm mà lỗi phần lớn do tổng thầu Trung Quốc chưa thực hiện một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa hoàn chỉnh hồ sơ để tiến hành đánh giá chứng nhận an toàn độc lập, an toàn hệ thống... khiến hầu hết các khâu nghiệm thu đều đang bị ách lại. Trong khi đây là nút thắt cuối cùng để dự án đi vào vận hành thương mại.
Tổng thầu đã như vậy, còn vai trò của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án (BLDA) đường sắt ở đâu? Rõ ràng, trách nhiệm của cả hai cơ quan này với việc dự án ì ạch, lần lữa về đích là không nhỏ. Nhưng cũng cần ghi nhận một thực tế, Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiến độ thông qua các kênh, từ làm việc trực tiếp, đốc thúc tổng thầu, làm việc với công ty mẹ, cũng như thông qua tác động của các kênh ngoại giao ở cấp cao hơn. Nhưng lực bất tòng tâm!
Mấu chốt nằm ở chỗ: trong hợp đồng EPC, vai trò giám sát, quản lý của Bộ GTVT, Ban QLDA ở dự án không thực sự đủ mạnh. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, hợp đồng EPC của dự án có nhiều “lỗ hổng”, một phần vì đây là dự án đầu tiên theo hình thức EPC, là các nguyên tắc chung được thỏa thuận dẫn tới đi vào chi tiết vướng nhiều điểm, dự án lại sử dụng công nghệ mới hoàn toàn, tiêu chuẩn quy định của VN chưa rõ ràng về các chuyên ngành... Đặc biệt, quan trọng nhất là hợp đồng thiếu đi những ràng buộc, cam kết chặt chẽ về điều khoản tiến độ và phạt tiến độ.
Đó là lý do tổng thầu trong suốt gần 10 năm triển khai dự án, dù liên tục phá vỡ các đích hẹn theo hợp đồng, các mốc phía VN ấn định cũng như các mốc chính tổng thầu cam kết, nhưng... chưa một lần bị phạt.
Đóng vai trò bên A (chủ đầu tư) với nguyên tắc được “nắm đằng chuôi”, nhưng cả Bộ GTVT, Ban QLDA lẫn những người dân sẽ đi trên tuyến Cát Linh - Hà Đông lại đang trở thành “con tin” cho tổng thầu, khi quyền quyết định dự án bao giờ về đích phụ thuộc hoàn toàn vào tổng thầu.
Thông tin mới nhất từ phía Bộ GTVT và Ban QLDA đường sắt vẫn sẽ là cố gắng ốp tổng thầu qua các kênh khác nhau, để chốt một tiến độ cụ thể cho dự án, dù tới thời điểm này, tổng thầu vẫn chưa bàn giao đầy đủ hồ sơ để nghiệm thu.
Sau 8 lần trễ hẹn, sẽ không ai dám liều hứa thêm một mốc tiến độ mới nào khi mà người dân đã quá quen với câu chuyện hứa - thất hứa liên tục lặp lại. Nói như một lãnh đạo Ban QLDA đường sắt, vấn đề bây giờ không chỉ là đổ lỗi cho ai, mà phải gỡ từng điểm một với mục tiêu duy nhất là đưa dự án vận hành.
Nhưng Cát Linh - Hà Đông không chỉ là một câu chuyện cá biệt, đây sẽ là bài học xương máu cho bất kỳ dự án nào trong tương lai, đặc biệt các dự án sử dụng vốn vay theo hình thức EPC về xây dựng điều khoản hợp đồng, ràng buộc trách nhiệm, tránh rơi vào tình cảnh “nắm dao đằng lưỡi”, vay vốn lại ôm thêm “cục nợ”.
Bình luận (0)