'Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không tổ chức đối thoại với dân'

14/03/2022 18:20 GMT+7

Báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chỉ rõ hạn chế tại nhiều cơ quan, địa phương khi né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không tổ chức đối thoại với dân.

Chiều 14.3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả giám sát bước đầu việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp

gia hân

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Dương Thanh Bình, Phó trưởng đoàn giám sát, cho hay qua nghiên cứu bước đầu, đoàn giám sát thấy so với giai đoạn trước, giai đoạn 2016 - 2021 số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%.

“Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp T.Ư”, ông Bình cho hay.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng.

Đoàn giám sát cũng đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

“Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài...”, ông Bình nêu.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho biết, vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa đảm bảo tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, như quy định người đứng đầu bộ, ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, quá trình giám sát tại các bộ, ngành và địa phương, đoàn giám sát sẽ tiếp tục đi sâu hơn nữa để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thể chế hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng như tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Trưởng ban Dân nguyện cũng cho biết, để bảo đảm khách quan, thực tiễn, tới đây, đoàn giám sát dự kiến làm việc với 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Lào Cai, TP.HCM, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Theo ông Bình, đây là các địa phương có công dân khiếu nại đông người, phức tạp; có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai; quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại; thực hiện chính sách đối với người có công…

Đoàn giám sát cũng làm việc với 8 bộ, ngành: TN - MT, Xây dựng, LĐ-TB-XH, Tư pháp, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao về một số nội dung liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.