Còn tình trạng 'sợ chịu trách nhiệm' ở một số nơi trong phòng, chống dịch Covid-19

20/10/2021 14:17 GMT+7

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi; việc áp dụng các biện pháp phong tỏa còn lúng túng, thiếu tính đồng bộ.

Sáng 20.10, Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ.

Tăng trưởng GDP cả nước năm 2021 không đạt vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, về tình hình phòng chống dịch Covid-19, chủ trương trong thời gian qua là đúng đắn, các biện pháp được triển khai toàn diện và kịp thời, đạt được những kết quả quan trọng.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh được ban hành và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi và phát triển KT-XH; đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Quốc hội

Một số điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021 như: dự kiến 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán, bội chi ngân sách trong phạm vi dự toán (4% GDP)…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với mất mát nặng nề của người dân trong dịch Covid-19

Lúng túng, cứng nhắc, thiếu đồng bộ

Tuy nhiên, UBKT cũng cho rằng, chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và địa phương còn hạn chế; chưa chuẩn bị đầy đủ năng lực cho kịch bản dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn. Một số chính sách ban hành, thực hiện chưa tương xứng với tính chất phức tạp, dài hạn và quy mô tác động lớn của dịch Covid-19, tiếp cận chính sách còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân một số gói hỗ trợ đạt thấp, còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng. Các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ từ năm 2020 tới nay ước đạt khoảng 4% GDP; cần báo cáo bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách T.Ư, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để phân tích, đánh giá kỹ hơn quy mô, mức độ phù hợp của các gói hỗ trợ, làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới.

“Công tác phòng, chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi; việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển, công tác phối hợp tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, chưa được điều chỉnh kịp thời. Thông tin, truyền thông đôi lúc còn chưa kịp thời, thông suốt. Tỷ lệ tiêm vắc xin đã tăng khá nhanh nhưng còn thấp so với thế giới”, UBKT nhận định.

Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, UBKT cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ. Đối với các chỉ tiêu chủ yếu, bên cạnh đặt mục tiêu cao để phấn đấu cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện (chỉ tiêu GDP tăng 6 - 6,5%), UBKT đề nghị giải trình rõ ràng, thuyết phục hơn về tỷ lệ bội chi, cân đối xuất, nhập khẩu...

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, duy trì hoạt động KT-XH bình thường ở mức độ tối đa. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.