Trường tiểu học mà con tôi đang học là một trường điểm của quận và có tiếng dạy tốt trong thành phố. Khi đưa con vào đây, tôi rất yên tâm. Lúc đó, ai cũng bảo, học ở trường này khi thi vào các trường THCS có tiếng sẽ dễ dàng hơn vì chất lượng học tập của các cháu cao hơn nhiều so với các trường khác.
Nhưng nay thì tôi đã không còn tin vào điều đó nữa. Năm học lớp 1 và lớp 2, con tôi may mắn được học 2 cô giáo giỏi, tận tâm với nghề nên cháu học rất tốt, viết chữ rất đẹp. Đến năm lớp 3, giáo viên chủ nhiệm là một cô giáo còn trẻ, có chân trong Đoàn trường. Con gái tôi thường về kể với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay chúng con được chơi cả buổi, chẳng phải học gì cả”. Lúc đầu, tôi ngạc nhiên: “ Sao trong giờ học mà lại chơi vậy con?” – “Thì cô giáo bận công tác Đoàn nên chỉ cho chúng con một ít bài tập rồi bỏ đi từ sáng, chiều cũng chả thấy cô về”. Chuyện đó sau này trở nên bình thường nên tôi cũng không căn vặn nữa, chỉ thắc mắc trong lòng, không biết cô bỏ lớp thế thì sao dạy cho các cháu đúng chương trình được.
Có điều, khi chuẩn bị thi học kỳ, tôi không thấy con ôn tập gì cả, hỏi thì con nói, cô giáo ôn trên lớp rồi. Sốt ruột, tôi trực tiếp mang toán, tiếng Việt ra để ôn cùng con mới giật mình khi thấy con mình kiến thức bị hổng quá nhiều. May mà thời gian thi cũng còn cả chục ngày nên tối nào tôi cũng bồi dưỡng kiến thức lại cho con và cùng con giải toán, học tiếng Việt. Được cái, con tôi sáng dạ nên chỉ cần nhắc lại là cháu nhớ và làm bài được ngay. Kỳ thi ấy, con tôi đạt 4 điểm 10. Từ đó, không còn tin tưởng cô giáo nữa, tôi thường phải trực tiếp kiểm tra và học cùng con.
Cuối năm, họp phụ huynh, thấy cả lớp đều đạt học sinh giỏi, tôi không khỏi chạnh lòng. Hay con tôi kém nhất lớp, nếu không có mẹ kèm chắc đứng cuối lớp? Nhưng ngay sau đó, tôi đã tự có lời giải đáp: Mình không cho con đi học thêm bên ngoài cũng như ở lớp học thêm do cô mở thì phải vậy thôi.
Lên lớp 4, thầy giáo làm chủ nhiệm. Tôi khấp khởi mừng. Thầy này đã có tuổi, chắc sẽ nghiêm khắc rèn học sinh, không như cô giáo trẻ kia. Nhưng học được một học kỳ thì tôi biết mình… bé cái lầm. Lớp 4 có thêm một số môn chính ngoài toán, tiếng Việt là: Sử, địa, khoa học. Thấy sổ báo bài con ghi đã học qua các bài sử, địa, khoa, tôi kiểm tra bài thì con bảo, thầy cho ghi thế thôi chứ có học đâu. Mà có học cũng chỉ học qua loa thôi. Tôi vặc lại: “Con không chịu học bài còn nói thầy không dạy”. Con tôi mếu máo: “Con không nói láo đâu. Bài này con chưa học. Thầy chưa dạy mà.” –“Vậy thầy dạy gì trong tiết học đó” - “Thầy chỉ dạy toán, tiếng Việt thôi. Mấy môn mới đó thầy dạy ít lắm. ” Thì ra là vậy.
Trong cuộc họp cuối năm, phụ huynh sẽ an tâm hơn khi nhận được những kết quả học tập phản ảnh đúng khả năng của con em mình - Ảnh:Đào Ngọc Thạch
|
Từ đó, tôi trở thành cô giáo dạy các môn khoa, sử, địa cho con mình. Những bài học về lịch sử, địa lý hay khoa học trong chương trình lớp 4 thường rất hạn chế. Để con hiểu cặn kẽ vấn đề, tôi dùng máy tính bảng để hỗ trợ thêm việc dạy con. Chẳng hạn, con học về đồng bằng duyên hải miền Trung, tôi mở bản đồ tự nhiên cho con thấy đặc điểm của vùng đồng bằng này tại sao lại nhỏ hẹp; hay cho con xem hình ảnh về trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng tây Bắc, Tây nguyên… kết hợp giảng giải, kể những câu chuyện liên quan để con hiểu và nhớ. Môn lịch sử cũng vậy, tôi hướng dẫn để con tự tìm hiểu về các triều đại phong kiến Việt Nam và cháu tỏ ra rất hào hứng. Ngay cả việc tả cái cây, hay con vật nào đó tôi cũng phải mở thật nhiều hình ảnh của chúng để con nhìn cho rõ, nhớ cho kỹ và khơi gợi những liên tưởng về điều mình định viết… Cứ thế, con tôi đã có một cách học mở, không còn bị vướng vào lối học vẹt thông thường.
Nhưng đến kỳ thi học kỳ thì tôi càng thất vọng về thầy giáo của con mình. Cả hai kỳ thi học kỳ 1 và 2 thầy đều cho học “tủ”. Thầy không ôn thi theo cách thông thường, tức là ôn lại toàn bộ chương trình đã học để củng cố kiến thức cho học sinh. Thầy phát cho mỗi em 3 tờ giấy là đề và lời giải các môn toán, tiếng Việt, khoa - sử - địa và ngày nào cũng bắt các cháu chỉ làm đi làm lại những đề đó cho đến khi thuộc như cháo chảy. Con tôi nói: “Thầy bảo, cứ học thuộc các đề này, thi đảm bảo được 10 điểm”.
Thảo nào, cuối năm cả lớp đều đạt học sinh giỏi. Ngay trong buổi họp phụ huynh tổng kết năm học, thầy còn bộc bạch: “Để bọn trẻ có được kết quả học tập như vậy, ngay từ giữa tháng 4 tôi đã phải tích cực ôn luyện, cho các cháu làm đi làm lại một số đề thi”.
Chao ơi, nếu lũ trẻ gặp toàn phải thầy cô giáo như vậy thử hỏi sau này chúng sẽ làm chủ đất nước kiểu gì? Nếu tôi không trực tiếp hướng dẫn cách học cho con, chắc con tôi sẽ vẫn lầm lẫn Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Tuấn là hai cha con, sẽ không biết Việt Nam có bao nhiêu dân tộc anh em, sẽ không biết vào năm nào và nhân vật lịch sử nào đã chấm dứt hơn một ngàn năm đô hộ nước Việt của phong kiến phương Bắc…
Tôi lo lắng vì con còn nhỏ, mình có thể kèm cặp được, nhưng sau này con học cao lên, kiến thức nhiều hơn và khó hơn, liệu tôi có còn đủ khả năng để dạy cho con mình như bây giờ, nếu con vẫn phải học những thầy cô như thế.
Nỗi lo này chắc không phải của riêng tôi.
Bình luận (0)