Theo ông Hiếu, thế mạnh của địa phương là thủy sản, đặc biệt là con tôm với nhiều mô hình khác nhau. Do vậy, tỉnh xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn. Việc này cũng được sự đồng tình ủng hộ của Chính phủ khi đồng ý quy hoạch đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu lên tới 147.900 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh 35.900 ha.
Tỉnh Bạc Liêu định hướng phát triển thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm, là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đồng thời, tỉnh cũng định hướng ưu tiên liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao chất lượng nông sản, với mục tiêu chung phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Năm 2022, sản lượng tôm của Bạc Liêu đạt 460.000 tấn, doanh thu xuất khẩu 853 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước. Trong định hướng của mình, Bạc Liêu cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tôm sạch chất lượng cao trên mô hình tôm lúa trên diện tích hơn 41.000 ha.
Theo định hướng phát triển trung tâm công nghiệp ngành tôm của Bạc Liêu với mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỉ USD và trở thành một trong những địa phương có doanh thu từ con tôm cao nhất cả nước trong ngành tôm.
"Tuy nhiên, thực tế khó khăn thách thức rất lớn. Đầu tiên là Bạc Liêu chưa có nhiều nhà máy chế biến. Sản lượng chế biến mới đạt khoảng 80.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% sản lượng tôm 420.000 tấn/năm của toàn địa phương. Trên cơ sở phát triển chế biến, chúng tôi cũng cần xây dựng thương hiệu cho con tôm để tăng giá trị sản phẩm. Chính vì vậy, chúng tôi mời gọi và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến tôm cũng như cùng địa phương xây dựng thương hiệu cho con tôm của Bạc Liêu", ông Hiếu đề xuất.
Bình luận (0)