Con trai phải chi ?

22/02/2014 09:00 GMT+7

Quan niệm vốn được mặc định bấy lâu nay: con trai phải là “chủ chi” trong những cuộc vui chơi, ăn uống với con gái… liệu có đúng?

 Cùng góp tiền chi trả những bữa ăn uống sẽ giúp tình bạn bền chặt hơn
Cùng góp tiền chi trả những bữa ăn uống sẽ giúp tình bạn bền chặt hơn - Ảnh: Xuân Phương

“Ai lại để con gái trả tiền !”

“Nhóm bạn của mình sáu người, có bốn nữ. Mỗi lần đi ăn uống thì mình và bạn nam còn lại luôn thay phiên tính tiền. Lúc rủng rỉnh thì không sao nhưng đôi khi bị “viêm màng túi” thì nghe mấy bạn nữ rủ đi mà… run,  phải ngó lơ lời rủ, hoặc phải cáo bệnh, bận công việc để từ chối”, Trường A., HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), kể.

Không riêng Trường A., nhiều nam sinh khác cũng khổ tâm bởi đã và đang gặp phải “áp lực” này. “Mọi người cứ bảo con trai phải biết ga lăng, phải biết chủ động đi tính tiền trước. Chẳng hiểu cái “tập tục” này có từ bao giờ nữa, chỉ biết là điều này làm mình khốn đốn bao phen”, Thành Trung, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), tâm sự.

Còn Việt An, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, thì nhớ lại có lần đi với nhóm bạn toàn nữ. Đến lúc trả tiền, chàng trai này đã kêu gọi mọi người góp tiền lại liền nhận được những cái nguýt dài kèm theo: “Ối, con trai gì mà keo thế, chẳng lịch sự, ga lăng gì cả”, “Con trai gì mà tính toán chi li vậy. Ai lại để con gái trả tiền!”… khiến An bẽ mặt giữa quán đông người.

Thế nên, dẫu không muốn, thành viên hội “phe đầu đinh” cũng phải rỉ tai nhau để cùng hiểu những điều như: con trai mà để con gái trả tiền thì mất mặt lắm; con trai phải thể hiện là người hào sảng, rộng rãi, không tính toán khi đi ăn uống với bạn bè, nhất là đối với con gái…

Nên “hợp tác xã”

Chuyện ai chi cũng được đăng tải, chia sẻ trên nhiều diễn đàn học sinh, sinh viên và thu hút khá nhiều ý kiến bình luận.

“Không phải nữ sinh nào cũng mong được con trai bao cả. Với riêng mình, thích sòng phẳng với nhau”, Nhã Thanh, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình), bày tỏ.

Đây cũng là ý kiến của đa số nữ sinh khi trò chuyện, họ thích được cùng nhau góp tiền để trả. ““Hợp tác xã” như vậy để bạn bè thoải mái với nhau hơn và duy trì mối quan hệ bền vững, lâu dài hơn”, Diệu Thảo, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nêu quan điểm.

Ngoài ra, “phe kẹp tóc” cũng rất tâm lý khi cho rằng là học sinh, sinh viên, chỉ sống dựa vào tiền gia đình nên không dư dả để bao bạn bè. Dù là mối quan hệ bạn bè cùng giới hay khác giới thì khi đi vui chơi, ăn uống, “hợp tác xã” là lựa chọn chính xác và nên làm nhất.

Họ cũng cho rằng những nỗi lo mà nam sinh bị ám ảnh là vì quan niệm sai lầm. “Đó chỉ là nỗi sợ mà chính họ tự tạo ra mà thôi. Đâu ai bắt ép con trai phải thế này thế nọ. Đừng xem việc trả tiền là trách nhiệm của con trai”, Diễm Hằng, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), nói.

Nhìn nhận về câu chuyện này, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn Ý tưởng Việt, cho rằng hành động bao bạn nữ thể hiện phần nào sự ga lăng của con trai. Qua đó cũng muốn chứng tỏ bản lĩnh là “trụ cột” gia đình trong tương lai, có thể chăm lo cho “phái yếu” của người đàn ông.

Tuy nhiên, vì mọi người thường nói “ai lại để con gái trả tiền” đã khiến nam sinh bị áp lực vì bản thân chưa thực sự tự chủ được tài chính. Ông cũng cho biết thêm qua tư vấn, từng nghe tâm sự phản ánh của nhiều phụ huynh có con đang trong độ tuổi vị thành niên, rằng con mình ăn cắp tiền cũng chỉ vì mong muốn có hầu bao rủng rỉnh để bao bạn bè.

Với những phân vân của bạn trẻ về vấn đề này, thạc sĩ Hòa An hiến kế: “Việc ai trả sẽ phụ thuộc vào mức độ tình bạn thân thiết và “tiềm lực” kinh tế của mỗi người. Nhưng với học sinh - sinh viên thì “hợp tác xã” là một ý tưởng hay. Khi thân hơn một chút, có thể “hợp tác xã” từng phần, ví dụ mình trả phần nước, bạn bao phần thức ăn, hoặc ai mạnh hơn thì lo thêm phần vé xem phim. Nếu thực sự đã là bạn rất thân với nhau, chuyện ai trả tiền không còn là vấn đề đáng lo nghĩ vì việc đó sẽ diễn ra một cách rất tự nhiên, hôm nay bạn mời mình thì hôm sau mình mời lại, rạch ròi quá cũng mất đi cái tình cảm vốn có. Chính vì vậy, trong từng trường hợp, tính chất mối quan hệ, hoàn cảnh cụ thể chúng ta có thể áp dụng “quyền trả tiền” sao cho thật phù hợp”.

BÌNH LUẬN:

  “Đây là điều dễ hiểu bởi con trai thường có nhu cầu muốn chứng tỏ, khẳng định giá trị bản thân và mong muốn được con gái tôn trọng, ngưỡng mộ”.

Nguyễn Trọng Bạch
(sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng)

“Mình thích trước lúc ăn sẽ đưa ý kiến là góp chung. Có bạn góp nhiều, có bạn góp ít nhưng tình bạn là lâu dài, lần này người này trả nhiều thì mình nhớ để lần sau nói bạn trả ít lại. Sòng phẳng trong chuyện tiền bạc thì mối quan hệ mới lâu dài được. Khi đó sẽ không có cảm giác bị lợi dụng cũng như là lợi dụng người khác”.

Nguyễn Trần Phương Thùy
(học sinh lớp 11A13 Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) 

 Nguyễn Trần Phương Thùy
 Trần Phương Tố Uyên “Theo em nghĩ, nên “hợp tác xã”. Vì là học sinh, không có nhiều tiền và “hợp tác xã” cũng là để đảm bảo tính sòng phẳng, bình đẳng của mọi người trong nhóm bạn và càng làm nhóm bạn gắn bó hơn”.

Trần Phương Tố Uyên
(học sinh lớp 10D Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu)

Xuân Phương
(ghi)

Xuân Phương - Trâm Anh

>> 15 điều khác biệt giữa con trai và con gái
>> Con trai sẽ khó tìm vợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.