Đọc tờ Thanh Niên ra sáng 11.10.2016, cái thông tin ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) cho biết bà con Cơ Tu xã Lăng thống nhất bỏ tập tục đâm trâu trong các lễ ăn mừng của họ đã khiến cho nhiều bạn đọc nhẹ nhõm.
tin liên quan
Trâu vào đường cao tốc bị xe tông chết: Phải phạt nặng chủ trâu thả rôngĐó là ý kiến của nhiều bạn đọc về thông tin Trâu vào đường cao tốc bị xe tông chết đăng trên Thanh Niên ngày 21.9.
Không dễ gì bỏ đi một tập tục đã ngàn năm ăn sâu, cắm rễ trong vô thức của cộng đồng. Chuyện bỏ được một nghi thức như vậy phải qua một quá trình vận động gian nan, lâu dài mới có được sự đồng thuận. Xin cảm ơn những bà con người Cơ Tu trên các huyện miền núi Quảng Nam!
Có người cho rằng “vật dưỡng nhân” - thịt gia súc động vật là để nuôi sống con người. Vì vậy, việc mổ thịt một loài gia súc trung thành, góp công sức rất lớn trong nền sản xuất nông nghiệp như con trâu cũng được họ xem là bình thường.
Cái nhìn bình thường ấy đi ngược lại quan điểm nhân văn xem con trâu là bạn con người trong nền nông nghiệp truyền thống và việc giết con trâu để tế lễ dưới sự chứng kiến, cổ vũ của đám đông là tập tục không nên có. Chúng sinh đều có sự sống, có quyền được sống. Vậy ta lấy cái quyền gì để tước đi sự sống và quyền được sống của một con trâu, đặc biệt là muốn kéo dài sự đau đớn của nó ra để đám đông chứng kiến nó đã chết như thế nào?
Từ lâu, báo chí đã tỏ ra không đồng thuận, không ủng hộ những tập tục chọi trâu xong rồi mổ cả hai con trâu thắng và thua để chia thịt hay công khai chém heo để tế thần. Cái may mắn mà một cộng đồng được thần thánh chứng kiến, phù hộ chưa có ai nhìn thấy; người ta chỉ thấy trong các tập tục này các hành vi bạo lực, phi nhân đạo.
Tâm hồn những đứa bé lớn lên sẽ ra sao nếu năm nào cũng được xem những hình ảnh ghê rợn đó? Sự chấn thương tâm lý ở đây là một cái gì rất thật bởi ngay cả những người lớn chứng kiến việc thi hành tập tục chắc cũng phải tự hỏi lòng mình rằng việc xem động vật bị giết như vậy có lợi gì cho mình, có khiến lòng mình xót xa hay không.
Xã hội chúng ta ngày nay là xã hội văn minh và nhân hậu. Cần phải khẳng định rằng giết một động vật để tế lễ, cầu may trước sự chứng kiến của đám đông là tập tục phải hủy bỏ. Đây là mệnh lệnh của trái tim và khối óc mà con người VN tiến bộ và nhân ái cần thực hiện, đừng đặt ra câu hỏi tại sao phải hủy bỏ.
Nhân loại đã từng lên án Néron thả những người tù vào trong giác đấu trường cho cọp, sư tử xé xác làm trò vui cho mình và giới quý tộc. Văn minh ngàn lần và nhân hậu ngàn lần, xã hội chúng ta ngày nay yêu cầu bỏ hẳn những tập tục công khai giết động vật để tế lễ làm vui cho người xem!
Truyền hình có kênh khoa học National Geographic phản ánh về những hoạt động của thế giới động vật. Tính chất của thế giới động vật là trung tính, con thú ăn thịt sống phải rượt đuổi và ăn thịt con thú ăn lá cỏ là quy luật bình thường của thiên nhiên.
Vậy nhưng lòng ta vẫn xót xa khi nhìn thấy con nai bị bầy sư tử hại và cảm thấy vừa ý khi con trâu rừng dũng cảm dùng cặp sừng chống lại sư tử để bảo vệ bầy đàn. Tại sao vậy? Trong sâu thẳm, chúng ta vẫn căm ghét chuyện sư tử ăn thịt nai và khát khao công bằng khi thấy trâu rừng biết chống lại bầy sư tử. Quy luật thiên nhiên khách quan là một chuyện nhưng tâm hồn khát khao nhân hậu và công bằng của con người là một chuyện khác.
Bởi chúng ta là con người nên không thể coi chuyện sư tử ăn thịt loài nai là chuyện bình thường. Bởi chúng ta là con người nên coi hành động quyết liệt của trâu rừng chống trả lại bầy sư tử là cần thiết. Lòng người sẽ xuống cấp, tàn tạ biết bao nhiêu nếu cứ đồng thuận theo những việc giết chóc như vậy diễn ra một cách trung tính theo quy luật sinh tồn của thế giới tự nhiên?
Đối với thế giới tự nhiên - mà là thế giới tự nhiên qua truyền hình, lòng nhân ái của con người đã thể hiện quan điểm nhân đạo như vậy thì đối với xã hội hiện thực mà chúng ta đang sống, lòng nhân ái ấy phải mang dấu ấn đậm nét hơn, tích cực hơn.
Việc hủy bỏ một số tập tục đem động vật sống ra hiến tế - giết nó từ từ để mọi người cùng chứng kiến, là cần thiết phải làm nhân danh những giá trị nhân ái và văn minh. Sự đồng thuận của bà con người Cơ Tu về việc bãi bỏ tập tục đâm trâu tế lễ thật đáng để chúng ta ca ngợi.
Tập tục vốn là do con người đặt ra, các thế hệ sau cứ theo nếp cũ mà làm. Trong xã hội mang tính đa thần của văn hóa lúa nước ngàn xưa, có những tập tục tốt nhưng cũng có không ít tập tục xấu.
Vậy nhưng, xã hội thì tiến lên vun vút mà tập tục thì cứ theo lối cũ, năm nào cũng diễn ra y như vậy nên có một khoảng cách rất lớn, một độ vênh rất lớn giữa tư duy xã hội và tư duy tập tục.
Xã hội chúng ta ngày nay đang tiến lên văn minh, nhân ái, công bằng trong khi một số tập tục dân gian vẫn giậm chân theo tư duy của ngàn năm trước. Vì vậy, việc cải thiện tập tục, làm cho nó phù hợp và dễ hội nhập hơn bước tiến văn minh và nhân hậu của xã hội là việc làm cần thiết.
Suy nghĩ để cải thiện tập tục, làm cho tập tục văn minh lên là một việc mà tất cả cộng đồng bà con dân tộc và bà con người Kinh đều làm được. Người ta mổ thịt động vật để làm thức ăn cho con người là quy luật bất biến còn hành động mổ thịt ấy diễn ra ở đâu, kín đáo hay không kín đáo, nhanh gọn hay làm cho động vật đau đớn kéo dài là chuyện mà con người phải suy nghĩ để thực hiện. Tính chất văn minh của một xã hội được hình dung qua việc làm tưởng như là bình thường hằng ngày ấy.
Ở các nước có nền kinh tế xuất khẩu thịt gia súc lớn, người ta mổ thịt gia súc với số lượng cao hằng ngày nhưng không có một hình ảnh nào về cách mổ thịt được đưa lên báo chí. Đưa hình ảnh giết hại động vật công khai được coi là hành động phản đạo đức. Người ta muốn tránh cho con người khỏi bị tổn thương tâm lý.
Ngược lại ở Trung Quốc, người ta lại công khai gần như trọn vẹn “công nghiệp làm thịt chó” kể cả biểu diễn những hành vi đối xử tàn bạo nhất với con chó khiến nhiều người trên thế giới phẫn nộ. Văn minh hay không, có văn hóa hay không nhiều khi chỉ cần nhìn qua cách mổ thịt động vật.
Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao xót xa thừa nhận với giáo Thứ chuyện mình đã lừa gạt con chó thân yêu, bắt nó bán cho người khác mà không hiểu số phận nó ra sao. Cái đó là lòng nhân hậu rất VN. Bà con người Cơ Tu huyện Tây Giang thống nhất với sự vận động của chính quyền, bỏ hẳn tập tục đâm trâu tế lễ theo lối cũ. Cái đó là lòng nhân hậu rất VN. Những biểu hiện nhân hậu ấy có thể nhỏ nhưng lại góp phần làm sáng lên phẩm giá của dân tộc Việt.
Mùa mưa năm nào người dân đồng bằng sông Cửu Long cũng hào hứng kéo về An Giang tham dự lễ hội đua bò của cộng đồng bà con Khmer. Những đôi bò mạnh khỏe được chăm sóc tử tế, vừa giúp ích cho nhà nông làm nên những mùa vụ bội thu, vừa trở thành chiến binh dũng cảm trên đường đua trong lễ hội. Cặp bò thắng trận được giữ lại, nguồn gien tốt của chúng được tiếp tục tạo giống cho ra những con bò quý khác. Cặp bò thua cũng được giữ lại bồi dưỡng, cho ăn, dạy dỗ mong đạt thành tích trong mùa đua tới.
Bà con Khmer Nam bộ thương yêu con bò như chúng là thành viên ruột thịt trong gia đình. Bà con Cơ Tu miền núi Quảng Nam thương yêu con trâu nên đồng thuận thay đổi tập tục tế lễ có con trâu. Đất nước chúng ta là đất nước đầy lòng nhân hậu, nhanh chóng hiện đại hóa các tập tục theo hướng văn minh, nhân ái nhất đối với các loài súc vật nuôi trong nhà!
Bình luận (0)