Với phong tục “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, tết là dịp quý giá giúp cho trẻ biết được họ hàng nội ngoại, giúp chúng có điều kiện thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn, tri ân đối với ông bà, cha mẹ. Đây là dịp chúng hiểu gốc tích, biết ơn về huyết thống, cội nguồn.
Cùng chung tay quét nhà, lau cửa với cha mẹ, giúp trẻ có ý thức hơn về trách nhiệm bản thân với gia đình. Việc cha mẹ chỉ bày cho chúng biết cách bày biện hoa quả (mâm ngũ quả), cách thờ tự nhang khói bàn thờ gia tiên, hay đi lễ chùa, những kiêng cữ… sẽ giúp trẻ có ý thức về cội nguồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.
tin liên quan
Bài học từ phong bao lì xìBiết thêm về phong tục, tập quán, văn hóa lễ hội của dân tộc, như các món ăn ngày tết, tục xông đất, tục lì xì mừng tuổi, đặc trưng chợ tết, vẻ đẹp của chợ hoa, ý nghĩa của các trò chơi, nét đẹp của các lễ hội dân gian gắn liền với từng địa phương. Đây là cơ hội giúp trẻ hiểu biết về văn hóa dân tộc.
Tết là dịp trẻ ý thức về thời gian. Ý thức về tuổi tác của ông bà, cha mẹ. Và trẻ cũng sẽ tự ý thức về sự trưởng thành bản thân, cảm thấy có trách nhiệm với bản thân mình và gia đình hơn.
Những tổng kết của năm cũ, những hoạch định cho năm mới trong công việc làm ăn của cha mẹ chúng, hoặc cha mẹ sắp đặt cho chúng, sẽ giúp trẻ có phương hướng và quyết tâm phấn đấu tốt hơn cho một năm sắp tới.
Ngoài ra, tết còn là dịp giúp trẻ mở rộng tầm mắt vì được đi du lịch; hình thành ý thức tiết kiệm từ những bao lì xì; giúp trẻ có ý thức và thói quen ăn uống những món ăn ngày tết; biết cách nghỉ ngơi, vui chơi, thăm thầy thăm bạn bè của chúng.
Ý nghĩa lớn nhất của tết đối với trẻ là đem đến cho chúng niềm vui, sự lạc quan, điều mà dân gian thường hay nói “vui như tết” là có ý dành cho chúng.
Bình luận (0)