Ngày 10.8, tại Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh), Công an Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng.
Hồ nước Dầu Tiếng nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước có diện tích 27.000 ha, dung tích 1,58 tỉ m3. Đến thời điểm hiện nay, tại khu vực hồ lòng hồ, cơ quan chức năng đã cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản cát cho 15 doanh nghiệp (DN) với tổng diện tích 732,06 ha. Đồng thời có 41 bến thủy nội địa hoạt động tập kết cát trong lòng hồ, trong đó Tây Ninh có 20 bến bãi, Bình Dương 19 bến bãi và Bình Phước có 2 bến bãi.
|
Báo cáo về tình hình khai thác khoáng sản cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, đại diện Công an tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cho biết đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 30 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Đồng thời tiến hành khảo sát thực tế và xác định 82 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác của DN ở trên địa bàn của 3 tỉnh. Hiện nay đang phối hợp di dời 82 tàu trên ra khỏi hồ.
Có hành lang pháp lý để hoạt động
tin liên quan
Nạn khai thác cát lậu vẫn diễn biến phức tạpĐại tá Trần Văn Chính , Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, hồ Dầu Tiếng là công trình trọng điểm của quốc gia rất cần được bảo vệ. Do đó, ngành đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra toàn diện về yếu tố an ninh, nạn khai thác cát, việc vận chuyển khoáng sản gây hư hỏng đường giao thông… đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương cử các ngành cùng tham gia.
Tuy nhiên, ông Chính cũng thừa nhận tình hình khai thác các trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng vẫn còn phức tạp vì “cát tặc” chỉ tạm ngưng trong thời gian lực lượng đi kiểm tra còn sau đó thì hoạt động trở lại với số lượng tàu tham gia lớn hơn. Ngoài ra, trong công tác phối hợp, phân định ranh giới để thực hiện việc xử lý vi phạm cũng còn nhiều vướng mắc. “Do đó, khi có quy chế phối hợp giữa công an 3 tỉnh sẽ tạo cho chúng ta một hành lang pháp lý để hoạt động, giúp thuận tiện trong công tác trao đổi thông tin, phối hợp…”, ông Chính phát biểu.
Sau hội nghị, đại diện Công an tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước đã tiến hành ký kết kế hoạch phối hợp.
Nội dung cụ thể trong Quy chế phối hợp:
- Phối hợp trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ phục vụ công tác và tuyên truyền pháp luật. Cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sán trái phép trong lòng hồ Dầu Tiếng; chia sẻ thông tin liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động khai thác và vận chuyển trái phép khoáng sản; kinh nghiệm đấu tranh của địa phương với nạn khai thác khoáng sản trái phép…
- Phối hợp trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm. Khi kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản cũng như vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn giáp ranh 3 tỉnh, đơn vị chủ trì đề nghị đơn vị có liên quan hỗ trợ phương tiện, công cụ cần thiết, lực lượng, cán bộ tham gia.
- Phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn công trình thủy lợi trong khu vực hồ.
|
Bình luận (0)