(TNO) Xung quanh việc Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, H.Phú Quốc, Kiên Giang bắn kẻ có ý định giết trẻ sơ sinh, nhiều bạn đọc thắc mắc về trường hợp công an được phép nổ súng.
Bé Bùi Trương Bảo Ngọc nằm ngủ bình yên bên mẹ sau khi được công an cứu khỏi tay Tám Bò - Ảnh: Đông Dương
|
Liên quan đến vụ công an nổ súng bắn kẻ định giết trẻ sơ sinh, ngày 8.9, trao đổi với
Thanh Niên Online, đại tá Vũ Hoàng Kiên, Cục phó Cục cảnh sát hình sự Bộ công an cho rằng, trước tình huống đe dọa tính mạng bé Bùi Trương Bảo Ngọc (13 ngày tuổi), thiếu tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, H.Phú Quốc, Kiên Giang) đã rút súng ngắn, bắn trúng bụng Nguyễn Văn Hữu (26 tuổi, tự Tám Bò, trú KP.3, TT.Dương Đông, H.Phú Quốc) và nhanh chóng cứu cháu bé là hoàn toàn đúng và hợp lý.
|
|
|
Thiếu tá Chánh cũng đã cảnh báo bằng cách bắn chỉ thiên và thương thuyết trước khi nổ súng. Hành động của thiếu tá Chánh cần được tuyên dương và ủng hộ, nhất là trong tình hình tội phạm ngày càng manh động như thời gian gần đây
|
|
|
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM)
|
|
|
“Tình huống lúc đó rất nguy cấp, cơ quan chức năng đã có hơn 2 giờ thuyết phục nhưng đối tượng vẫn không tha. Nếu thiếu tá Chánh không nổ súng kịp thời có thể sẽ không cứu được cháu bé. Thực sự không có một ai muốn tiêu diệt đối tượng, bởi nếu tiêu diệt là giết chết một mạng người. Thiếu tá Chánh ra tay như thế đủ khiến dằn vặt một đời rồi, không dễ chịu thoải mái gì. Việc nổ súng là bất đắc dĩ nhưng hợp lý. Thiết nghĩ Bộ công an nên khen thưởng đối với thiếu tá Chánh”, đại tá Kiên nói.
Các trường hợp được phép nổ súng
Đề cập đến tình huống này, theo quan điểm của luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM), hành động của thiếu tá Chánh phù hợp với quy định pháp luật và hành động này là kịp thời, cần thiết để bảo vệ cháu Ngọc, người đang trực tiếp bị đe dọa đến tính mạng trong khi không hề có bất kỳ khả năng kháng cự nào.
“Thiếu tá Chánh cũng đã cảnh báo bằng cách bắn chỉ thiên và thương thuyết trước khi nổ súng. Hành động của thiếu tá Chánh cần được tuyên dương và ủng hộ, nhất là trong tình hình tội phạm ngày càng manh động như thời gian gần đây”, LS Chánh nói.
LS Chánh cho biết, theo quy định tại khoản 3, Điều 22 Pháp lệnh số 16 ngày 30.6.2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có các trường hợp được nổ súng gồm: đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...
Để tránh việc lạm dụng hoặc thực thi không đúng quy định khi thi hành nhiệm vụ độc lập, thì khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh số 16 ngày 30.6.2011 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 25/2012/NĐ-CP quy định rất rõ các nguyên tắc khi nổ súng gồm: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.
“Việc cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên. Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”, LS Chánh phân tích.
Bình luận (0)