Mở đầu buổi tọa đàm, đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an Bình Dương cho biết từ năm 2012-2016 ở các CCN, KCN trên địa bàn tỉnh xảy ra 4.782 vụ phạm pháp hình sự (chiếm 82,5% tổng số vụ phạm pháp hình sự của toàn tỉnh). Trong đó, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều vụ án mạng do nguyên nhân xã hội như: ghen tuông, thù tức, mâu thuẫn gia đình (chiếm trên 92%). Đại tá Thao nhấn mạnh: “Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đa số là công nhân, tuổi đời còn trẻ, thiếu kiềm chế, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế”.
tin liên quan
Giám đốc Công an Bình Dương yêu cầu CSGT phải thân thiện với dânĐại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an Bình Dương, yêu cầu lực lượng CSGT Bình Dương phải 'biết từ chối hành vi gạ gẫm'...
Trộm cắp đội lốt bảo vệ
Đại diện một số doanh nghiệp (DN) tham gia tọa đàm nhận định về tình hình ANTT là yếu tố sống còn để DN tồn tại và phát triển. Đại diện một DN da giày cho biết có tình trạng tạo việc làm, xin việc “ngầm” sau đó thu tiền của công nhân. Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triệt xóa thế lực ngầm này.
Trong khi đó, đại tá Võ Văn Phúc, Phó giám đốc Công an Bình Dương cho biết hiện đang xuất hiện nhiều công ty dịch vụ bảo vệ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. “Thiếu người nên tuyển dụng dễ dãi, cộng với việc lương thấp dẫn đến người bảo vệ xâm hại, lấy cắp tài sản của doanh nghiệp thuê đến bảo vệ mục tiêu”, đại tá Phúc phát biểu.
Đề cập đến tội phạm trộm cắp trên địa bàn, đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an Bình Dương cho biết thêm trong 3 năm (từ 2014-2016) trên địa bàn xảy ra 1.687 vụ trộm cắp tài sản (chiếm 48,7% tỉ lệ tổng các vụ phạm pháp hình sự), phương thức thủ đoạn đa dạng, manh động, phức tạp. Tuy nhiên tỷ lệ điều tra phá án chưa đạt yêu cầu.
Đấu tranh tội phạm hoạt động băng nhóm
Theo đại tá Trần Văn Chính để phòng chống loại tội phạm trộm cắp cần tập trung vào một số việc như nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản; tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả trong công tác tuần tra, kiểm soát; làm tốt công tác tố giác, tin báo tội phạm và thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác…
Tham gia tọa đàm, lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre cho rằng người dân ở tứ xứ đổ về Bình Dương, trình độ khác nhau nên cần phải làm tốt công tác phòng ngừa, phân loại, lao động bình thường, chân chính với các đối tượng tiền án, tiền sự, đối tượng có nguy cơ phạm pháp… tiếp cận từng nhóm, từng người phát hiện và ngăn chặn. Còn trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an Bình Dương phải phối hợp chặt chẽ, tập trung đấu tranh các loại hình tội phạm băng nhóm, sử dụng có hung khí, kích động, xúi giục công nhân tham gia vào các hoạt động phi pháp.
Có sự liên minh giữa các băng nhóm giang hồ
Ông Mai Văn Dũng, Viện trưởng Viện KSND Bình Dương cho rằng nếu chỉ tập trung vào các KCN, CCN trong phòng chống tội phạm thì chưa đầy đủ, toàn diện. Ông Dũng cho rằng: “Thời gian làm việc tại công ty của người lao động rất ít xảy ra hành vi cố ý gây thương tích, giết người… mà chủ yếu rơi vào thời gian ngoài giờ làm việc, ở phòng trọ”. Ông Dũng cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giữa các băng nhóm giang hồ, bảo kê, cho vay nặng lãi và thực trạng các băng nhóm liên minh với nhau. “Vì công nhân đi làm về phải nộp tiền cho các nhóm này. Người dân sợ không dám tố cáo tố giác”. Bảo vệ môi trường, xả thải trong KCN cũng là mầm mống phát sinh tội phạm nên ông Dũng cũng đề nghị xem xét lại việc phối hợp tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm.
|
Bình luận (0)