Công an cùng góp tiền cứu phạm nhân

11/03/2019 10:32 GMT+7

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bệnh viện T.Ư Huế vừa viết nên câu chuyện cảm động về tình người, khi cùng quyên góp hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để giúp phẫu thuật cho một phạm nhân bị bệnh tim nặng.

Công an đi “nuôi bệnh”

Những ngày vừa qua, nhiều bệnh nhân và người nhà tại Khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế, ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh một bệnh nhân sau phẫu thuật được các chiến sĩ công an túc trực canh gác và chăm sóc như người thân.
Chiến sĩ cảnh sát bảo vệ trại giam Hồ Minh Tiến sau một đêm trực chăm bệnh nhân, là phạm nhân C.M.T.Đ (22 tuổi, trú tại TP.Huế), đã cẩn thận dặn dò cách chia từng viên thuốc trước khi giao ca cho một chiến sĩ khác.
“Do vừa làm thủ tục xuất viện, bác sĩ cho toa, mới mua thuốc nên tôi phải hướng dẫn kỹ, kẻo sợ người thay ca không biết”, anh Tiến cho biết. “Vậy tiền mua thuốc cho Đ., ai lo?”, chúng tôi thắc mắc thì Tiến cười: “Thì tôi bỏ tiền túi mua rồi đơn vị thanh toán lại!”.
Chính Th.S-BS Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế, chứng kiến cảnh chiến sĩ công an lặng lẽ xuống căn tin mua cho bệnh nhân Đ. ly nước cam, cảm động nói: “Ngày nào các chiến sĩ bảo vệ cũng mua cơm nước, chăm sóc Đ. như em út trong nhà…”.

Góp tiền cứu phạm nhân

Ngày 27.1.2019, Trại tạm giam Công an Thừa Thiên-Huế tiếp nhận phạm nhân C.M.T.Đ vừa bị TAND TP.Huế tuyên mức án 1 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Vừa làm xong thủ tục tiếp nhận, Đ. phát bệnh đau tim. Lãnh đạo trại giam lập tức cử cán bộ y tế đến khám, phát hiện phạm nhân có biểu hiện của bệnh tim nặng nên chuyển cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Huế. Tại đây, các bác sĩ xác định Đ. bị bệnh tim nặng với chứng thông liên thất, hở van động mạch chủ, vỡ phình xoang valsalva, suy tim độ 3. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật để cứu bệnh nhân. Ca phẫu thuật tim thực hiện 2 ngày sau đó.
Th.S-BS Trần Hoài Ân cho biết do bệnh nhân Đ. là phạm nhân, không thuộc diện thanh toán BHYT, gia đình lại khó khăn, không có người thân, nên bệnh viện đã bàn bạc với lãnh đạo trại giam quyên góp kinh phí để thực hiện ca mổ.
“Sau khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo trại giam rất nhiệt tình và ngay sau đó công an tỉnh đã phát động quyên góp được gần 200 triệu đồng. Tuy vậy, do bệnh của Đ. rất nặng, chi phí điều trị rất tốn kém nên chúng tôi đã báo cáo với GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, và lãnh đạo bệnh viện đồng ý hỗ trợ thêm để thực hiện phẫu thuật”, bác sĩ Ân nói.
Sau phẫu thuật, Trung tâm tim mạch còn phải dùng máy hỗ trợ tim liên tục trong 3 tuần để giúp bệnh nhân hồi phục. Ngoài khoản quyên góp của các cán bộ, chiến sĩ công an, bệnh viện cũng đã hỗ trợ thêm gần 150 triệu đồng để điều trị.

“Sẽ làm người lương thiện”

Vừa hồi tỉnh sau ca phẫu thuật, Đ. kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ cơ cực dẫn đến sa ngã rồi phạm tội của mình. Bố mẹ ly hôn, hai anh em Đ. được bố thuê cho một phòng trọ để ở, nhưng do không được chu cấp và chăm sóc nên hai anh em phải thang thang kiếm sống. Đ. thường xuyên đau ốm nên công việc bấp bênh, bữa đói bữa no. Năm 2018, trong một lần cùng quẫn, Đ. đã đột nhập một cửa hàng tại TP.Huế lấy trộm một ít áo quần, giày dép... bán lấy tiền mua cơm…
Sau cuộc phẫu thuật, như được hồi sinh, Đ. xúc động rưng rưng nước mắt: “Tôi may mắn được các chú công an và bệnh viện cứu sống. Sau khi lành bệnh, thi hành án xong, tôi sẽ tìm việc gì đó phù hợp để làm người lương thiện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.