Công an khám xét phát hiện 10 tỉ trong két sắt, tiền mặt đâu mà nhiều thế?

09/06/2022 11:12 GMT+7

Theo nhiều Đại biểu Quốc hội, quy định thanh toán qua tài khoản và thực tế sử dụng tiền mặt đang bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý Nhà nước và là kẻ hở để tội phạm lợi dụng.

Sáng 9.6, Quốc hội tiếp tục chất vấn các vấn đề về tài chính, ngân hàng đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
gia hân

Bấm nút xin tranh luận, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng có 2 vấn đề đại biểu nêu từ hôm qua đến nay chưa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời cụ thể, đề nghị làm rõ thêm.

“Hiện nay đã có quy định sử dụng tiền mặt trên thị trường, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên trong một số vụ án tham nhũng gần đây, công an vô khám xét phát hiện có cá nhân có tới 10 tỉ đồng trong két sắt. Tiền mặt ở đâu mà nhiều như thế? Vấn đề nữa là dư luận hiện nay cho rằng đại gia sử dụng tiền mặt rất nhiều đi mua bất động sản. Chỉ cần người bán đồng ý là chuyển tiền mặt hoặc chuyển khoản ngay. Có vấn đề gì trong ngành ngân hàng về sử dụng tiền mặt”?, ông Hoà nêu.

ĐBQH chất vấn thống đốc: "Khám xét phát hiện 10 tỉ trong két sắt, tiền mặt đâu mà nhiều thế?"
Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu bất cập về sử dụng tiền mặt
Gia Hân

Đại biểu Đồng Tháp nêu lại vấn đề đã được chất vấn trước đó liên quan đến thị trường vàng: “Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, khi đó vàng trong nước khoảng 35 triệu đồng/ lượng thì nay đã gần 70 triệu đồng/ lượng, thì nghị định này có bất cập hay không? Tại sao không sửa nghị định. Ngày hôm qua, khi Quốc hội chất vấn việc này thì người dân xôn xao về chuyện độc quyền của SJC. Tôi nghĩ Nhà nước có nên giao thêm cho đơn vị, tổ chức khác sản xuất vàng để cạnh tranh với SJC để thị trường vàng hạ sốt. Tôi nghĩ vàng tăng giá kiểu này sẽ khiến lạm phát tăng theo, đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá, tôi nghĩ cần phải chấn chỉnh giá vàng cho phù hợp với tình hình thế giới”.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong các quy định hiện hành thì những khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước trên 20 triệu đồng phải được thực hiện thông qua chuyển khoản và không được thanh toán bằng tiền mặt .

“Đối với các giao dịch khác, ngân hàng nhà nước và các bộ ngành đang trong quá trình nghiên cứu, trong đó có vấn đề thanh toán bằng tiền mặt. Vấn đề này sẽ được phân tích, đánh giá tác động và xin ý kiến rộng rãi người dân”, bà Hồng nói.

Tiếp tục giải trình thêm về độc quyền vàng miếng SJC, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay Nghị định 24 xác định Ngân hàng nhà nước là độc quyền sản xuất vàng miếng chứ không phải SJC mà đây chỉ là đơn vị được thuê.

Tuy nhiên, bà Hồng cho biết: “Trong quá trình tổng kết đánh giá Nghị định 24 trong thời gian tới thì chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu lắng nghe ý kiến của đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến của rộng rãi để xem xem là chúng ta lựa chọn như thế nào nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước như hiện hành".

Đại biểu Mai Khanh băn khoăn về dòng tiền trong các vụ án
Gia Hân

Cũng liên quan đến dòng tiền được phát hiện thông qua một số vụ án, đại biểu Mai Khanh, Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình, nêu: "Qua các vụ án thời gian qua cho thấy các tội phạm chuyển số tiền cực lớn. Điều đó cho thấy yếu kém quản lý các cổng thanh toán. Trách nhiệm của ngành ngân hàng trong quản lý các cổng thanh toán quốc gia, giải pháp thế nào phòng chống việc này?".

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết hoạt động chuyển tiền qua biên giới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với thế giới đặc biệt quan trọng với số lượng ngày càng lớn, lên tới hàng triệu giao dịch/ngày và kiểm soát là vấn đề phức tạp.

"Các tổ chức tín dụng mà kiểm soát trước thì không thể kiểm soát được vì sẽ gây ra ách tắc toàn bộ các cái giao dịch cho nên các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm tra các chứng từ sau giao dịch và các cái tổ chức cá nhân tự chịu trách nhiệm về các giao dịch" bà Hồng nói, và giải thích thêm pháp luật hiện hành còn có các quy định về chống rửa tiền.

"Đối với tất cả các cái giao dịch ngoại tệ trên quy mô 1.000 USD sẽ được hệ thống đưa vào diện giao dịch đáng ngờ. Qua phân tích dữ liệu, nếu như có những cái trường hợp bất thường hay dấu hiệu nghi ngờ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển theo các cái cơ quan của pháp luật để điều tra xác minh thế còn đối với lại cái nhu cầu mà thanh toán thì theo cái lệnh của chủ tài khoản thì các tổ chức tín dụng được thực hiện thanh toán theo yêu cầu của chủ tài khoản và đương nhiên là doanh nghiệp nào được thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm", Thống đốc cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.