Công an TP.Hà Nội bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp

31/12/2020 20:26 GMT+7

Ngày 31.12, Công an TP.Hà Nội đã tổ chức ra quân cấp thẻ căn cước cho công dân lưu động trên địa bàn, đồng thời ra quân cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo nổ.

Cấp thẻ căn cước công dân lưu động cả ngoài giờ hành chính

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết đơn vị tập trung mở đợt cao điểm tập trung cấp căn cước công dân theo hình thức lưu động trên địa bàn thành phố từ ngày 1.1-1.7.2021. Trong đợt này, sẽ bố trí các tổ cấp phát lưu động, thực hiện tất cả các ngày trong tuần, trong và ngoài giời hành chính, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng khu vực, địa bàn dân cư.
Các phòng nghiệp vụ có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện tại các đơn vị để kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại buổi Lễ ra quân, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận định việc cấp thẻ căn cước công dân tại các điểm lưu động rất quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm cao, đem lại kho tài nguyên vô cùng quý giá cho quốc gia. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện rất cao song song với đầu tư cơ sở vật chất nên thời gian qua đã thu được kết quả tương đối toàn diện trong việc thu thập dữ liệu dân cư quốc gia. Lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cần sát sao hàng ngày với những thông tin nhân khẩu.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, thị sát việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip do Công an TP.Hà Nội triển khai

Ảnh CTV

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu loại pháo hoa nào được phép đốt

Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, bên cạnh việc ra quân cấp thẻ căn cước lưu động, chuyên đề phòng ngừa, ngăn chặn đấu tranh với các hành vi nghiên cứu, chế tạo sản xuất mua bán, vận chuyển tàng trữ, sử dụng pháo trái phép cũng rất thiết thực, cấp bách. Cần xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo nổ, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần làm tốt tuyên truyền để người dân nhận thức rõ loại pháo hoa được phép đốt.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết nửa cuối tháng 12.2020, cơ quan công an đã phát hiện 13 vụ việc liên quan đến pháo nổ, trong đó, đã khởi tố 4 vụ việc. Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an TP.Hà Nội đã mở đợt cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Công đoạn lăn lấy vân tay được thực hiện khá gọn lẹ khi thực hiện cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp

Ảnh CTV

Bên cạnh đó, theo tướng Trung, Công an TP.Hà Nội cũng không ngừng đổi mới toàn diện về nhận thức và các biện pháp công tác, quyết tâm hoàn thành cấp căn cước công dân trên địa bàn thành phố, phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ xã hội tiến tới phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

Quy trình cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp chỉ trong khoảng 10 phút

Từ sáng 31.12, Công an TP.Hà Nội bắt đầu thực hiện cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp với quy trình chỉ khoảng 10 phút/người.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, theo kế hoạch, đến 1.7.2021, TP.Hà Nội sẽ huy động tối đa lực lượng để đảm bảo cấp khoảng 2,5 triệu thẻ căn cước gắn chíp cho công dân từ 14 tuổi. Cảnh sát sẽ mang thiết bị cấp thẻ đến tận thôn, xóm, cụm dân cư để cấp cho người dân từ sáng đến 22 giờ.
Bên cạnh đó, tại trụ sở công an quận, huyện đều tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ lên 10 tiếng/ngày thay vì 8 tiếng/ngày như trước đây. Bắt đầu từ ngày 31.12, tại cơ quan công an ở các quận, huyện đã hoàn thành thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho hàng trăm người, thủ tục chỉ trong khoảng 10 phút.

Nhiều người dân tỏ ra hài lòng về quy trình cấp thẻ căn cước công chỉ trong khoảng 10 phút là hoàn thành, không mất nhiều thời gian như trước

Ảnh CTV

Đại úy Nguyễn Thị Trang, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.Hà Nội, cho hay quy trình thu nhận thông tin làm thẻ căn cước gồm các bước tra cứu thông tin của công dân trên hệ thống, sau đó lấy vân tay cả 10 ngón và chụp ảnh chân dung, hoàn thiện hồ sơ. Các bước này đã rút ngắn thời gian từ 10 - 20 phút so với trước đây, vì người dân không cần điền thông tin vào tờ khai nữa.
Theo luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và phải được đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Dự kiến với loại thẻ mới gắn chip, đến tháng 7.2021, Bộ Công an sẽ cấp cho 50 triệu công dân.
Thẻ căn cước mới dự kiến có 20 trường thông tin do ngành công an quản lý (họ tên, năm sinh, quê quán...), ngoài ra sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái...
Mẫu thẻ căn cước công dân được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ.
Đến ngày 31.12, mẫu thẻ mới chưa được hoàn thiện do đang hoàn tất thủ tục lấy ý kiến để được cấp có thẩm quyền thông qua. Dự kiến trong tháng 1.2021, sau khi thu nhận các thông tin của người dân, thẻ mới sẽ được sản xuất đồng loạt và gửi về tận nhà cho người dân theo địa chỉ cung cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.