Hàng loạt những vi phạm của học sinh, sinh viên
Theo thống kê của Công an TP.HCM, trong 10 năm qua (2013-2023), công an đã phát hiện 7.141 học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông (chủ yếu ở các lỗi chở người quá số lượng quy định, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, gây rối trật tự công cộng…).
Có 5.741 học sinh, sinh viên vi phạm hành chính, đề nghị truy tố 58 trường hợp học sinh, sinh viên về tội giết người, cưỡng đoạt tài sản, trộm tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác; đánh bạc; sử dụng mạng viễn thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; bắt giữ người trái pháp luật…
Công an TP.HCM thông tin, trong năm 2022, đơn vị này đã phối hợp với các trường học xử lý kỷ luật 25 học sinh liên quan đánh nhau quay clip đưa lên mạng xã hội; 30 sinh viên vi phạm nội quy, quy định của trường bị xử lý với hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo; 44 sinh viên vi phạm kỷ luật (hình thức khiển trách).
Bên cạnh đó, công an địa phương đã phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội tổ chức kiểm tra 8.778 cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, trò chơi điện tử, karaoke, cà phê, bán đĩa VCD gần cổng trường, gây ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên và an ninh trật tự khu vực xung quanh trường học, đã xử lý 3.717 cơ sở kinh doanh có vi phạm.
Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập
Công an TP.HCM cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước của ngành giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, gây nhiều dư luận tiêu cực trong xã hội. Tình hình mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ hoặc "lợi ích nhóm" trong một số trường, đặc biệt là trường tư thục vẫn tồn tại. Có nơi diễn biến gay gắt, ban giám hiệu các trường chưa chủ động nắm chắc diễn biến tâm tư nguyện vọng cũng như rà soát phát hiện tình hình, các vấn đề nhạy cảm, công việc liên quan đến quyền lợi vật chất, tinh thần của cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên để giải quyết kịp thời… Công an TP.HCM đánh giá đây là những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn về an ninh chính trị nội bộ, an ninh trật tự.
Trường có yếu tố nước ngoài hoạt động sai mục đích
Qua quá trình thực hiện công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, Công an TP.HCM cho hay vẫn còn tồn tại một số vướng mắc.
Chẳng hạn, công tác phối hợp giữa các đơn vị, ban ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa kịp thời, chặt chẽ và đồng bộ trong quản lý, hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan. Điển hình là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em gây bức xúc trong xã hội.
Công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài (trường quốc tế, trường 100% vốn đầu tư nước ngoài) vẫn chưa chặt chẽ, nhất là trong công tác theo dõi, phối hợp giữa cơ quan chức năng các cấp từ thành phố đến địa phương trong kiểm tra hoạt động (nhiều cơ sở giáo dục chưa được cấp phép, hoạt động sai mục đích, kém chất lượng… gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự).
Những đề nghị của Công an TP.HCM
Nhằm tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên trong thời gian tới, Công an TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT tăng cường công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên, người lao động cũng như học sinh, sinh viên. Xử lý kịp thời, dứt điểm những vụ việc mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ kéo dài.
Đồng thời tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, nhất là ở cơ sở giáo dục tư thục, có yếu tố nước ngoài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục có sai phạm, tạo môi trường an toàn, văn hóa, lành mạnh cho hoạt động giáo dục.
Công an TP.HCM cũng đề nghị các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng quán, nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, internet, trò chơi điện tử… xung quanh khu vực trường học, cơ sở giáo dục, ký túc xá học sinh, sinh viên. Kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để những vấn đề phức tạp, tệ nạn xã hội nảy sinh trong học sinh, sinh viên.
Bình luận (0)