PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với đại tá Nguyễn Sỹ Quang - thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Phó giám đốc Công an TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
Rà soát địa chỉ có người nước ngoài nghi vấn để xử lý
Gần đây xuất hiện nhiều đường dây cho vay nặng lãi qua app, trong đó PV Thanh Niên từng thâm nhập điều tra phanh phui như loạt bài Thâm nhập đường dây “tín dụng đen” qua app đăng ngày 2.6.2020. Xin đại tá nhận định về loại tội phạm này và công tác đấu tranh, phòng chống như thế nào?
- TP.HCM là TP đông dân nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn; cửa ngõ giao thương quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của các đô thị lớn, sôi động cũng là mảnh đất “màu mỡ” mà các loại tội phạm luôn tìm đến để ẩn náu, hoạt động phạm tội. Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tuy được giữ vững ổn định, tội phạm được kiềm chế và kéo giảm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Đối với hình thức cho vay lãi nặng núp bóng các ứng dụng cho vay trực tuyến: đối tượng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube) hoặc tạo ra các website để quảng cáo, giới thiệu, lôi kéo người tham gia. Người vay tiền phải tải ứng dụng về ĐTDĐ của mình, cung cấp thông tin cá nhân, đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên ĐTDĐ. Công ty cho vay chuyển tiền cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó, lãi suất thường không vượt quá 20%/năm nhưng người vay sẽ phải trả thêm nhiều loại phí nên lãi suất thực tế có thể lên tới vài chục %/tháng. Khi đến thời hạn trả nợ, nếu người vay chậm trả nợ thì nhân viên đòi nợ điện thoại “khủng bố” người vay và tất cả mối quan hệ trong danh bạ ĐTDĐ của người vay, kể cả hình thức “xã hội đen” trên mạng xã hội.
Việc đấu tranh loại tội phạm này gặp một số khó khăn như: Cơ quan điều tra phải ghi lời khai của nhiều nạn nhân ở nhiều địa bàn khác nhau; nạn nhân ngại trình báo, hợp tác với công an do sợ trả thù... Đáng nói, các đối tượng chủ mưu thuê người khác, chủ yếu là người Việt Nam đại diện đứng ra thành lập công ty làm “bình phong” để hoạt động, đăng ký địa chỉ này nhưng hoạt động ở nơi khác. Ngoài ra, hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài, địa bàn gây án trên không gian mạng có tính ẩn danh cao, tài khoản trên mạng xã hội là tài khoản ảo, phạm vi hoạt động rộng trên cả nước hoặc có trường hợp ở nước ngoài. Hoạt động quảng cáo, giới thiệu cho vay rất dễ đăng và xóa trên không gian mạng.
Tuy nhiên, Công an TP.HCM (CATP) đã chủ động trong công tác điều tra, nắm tình hình, thu thập thông tin tài liệu về hoạt động cho vay tín dụng trực tuyến trên mạng internet. Thời gian qua, CATP triệt phá 8 băng nhóm cho vay lãi nặng qua app với 235 đối tượng, như vụ cho vay nặng lãi qua app của Công ty TNHH Cashwagon (trụ sở đặt tại tòa nhà cho thuê số 17 Tôn Thất Tùng, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) mà Báo Thanh Niên từng thâm nhập điều tra phản ánh.
|
Tới đây, CATP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên nắm tình hình hoạt động cho vay trực tuyến, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm; rà soát các công ty, doanh nghiệp, nhà cho thuê nguyên căn có các đối tượng người nước ngoài cư trú, làm việc có dấu hiệu nghi vấn hoạt động tín dụng đen trực tuyến để có đối sách xử lý. Kiến nghị Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và xử lý đối tượng vi phạm trong hoạt động này.
Nhân đây, CATP đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân với các fanpage Facebook, website quảng cáo dịch vụ cho vay tín dụng trực tuyến. Khi có nhu cầu vay tiền nên liên hệ với ngân hàng, các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động.
Người dân phát hiện các app lừa đảo cần báo ngay công an
Vừa qua, Báo Thanh Niên phản ánh nhiều loạt bài lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đa cấp trên mạng (Sập bẫy lừa app “Trang trại tiết kiệm”, Chặn tiền đánh bạc, forex, tiền ảo...), thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đại tá đánh giá như thế nào về loại tội phạm này và giải pháp đấu tranh?
Hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên mạng internet diễn biến phức tạp, biến tướng dưới hình thức “gắn mác công nghệ 4.0”. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng phổ biến là tổ chức hội nghị, sự kiện để giới thiệu các dự án “kinh doanh, đầu tư công nghệ” hứa hẹn có tiềm năng, lợi nhuận cao để kêu gọi nhà đầu tư (NĐT). Các tổ chức trong và ngoài nước lợi dụng việc phát hành loại tiền điện tử để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép trên nền tảng điện thoại thông minh, nhằm lôi kéo người dùng tham gia ứng dụng (coolcat, myaladdinz, trang trại tiết kiệm…). Các ứng dụng này hoạt động chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi, hoa hồng cho người tham gia trước (với lãi suất, hoa hồng rất cao từ 20%/tháng trở lên) và sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới.
Các ứng dụng đang hoạt động thương mại điện tử để hoạt động mua bán, kinh doanh tiền ảo hiện không được pháp luật bảo vệ, việc các loại tiền ảo phát triển nhanh và trở nên phổ biến tại Việt Nam sẽ tạo ra rủi ro mất tài sản cao cho NĐT tiền ảo. Vừa qua, CATP đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác của người dân về việc bị lừa đảo khi tham gia đầu tư tại các ứng dụng trên mạng internet và đang điều tra, xử lý.
CATP đề nghị người dân nâng cao cảnh giác thủ đoạn lừa đảo này, nếu phát hiện các app có dấu hiệu lừa đảo phải trình báo công an ngăn chặn, xử lý. Thời gian tới, CATP sẽ tiếp tục triển khai đấu tranh, xử lý quyết liệt các tổ chức, đối tượng kinh doanh theo phương thức này.
Đấu tranh tham nhũng "không có vùng cấm"Được biết, ông được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, vậy nếu được trúng cử, cá nhân ông sẽ có giải pháp gì trong đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng?
Tôi đánh giá rất cao chức năng giám sát của Quốc hội về đấu tranh chống tham nhũng trong nhiệm kỳ qua. Nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, với chức năng giám sát, tôi sẽ theo dõi đến cùng kết quả giải quyết nhằm trả lời thỏa đáng cho cử tri; đảm bảo pháp luật được thực thi và giải quyết được những vấn đề bức xúc trong cuộc sống xã hội. Cá nhân tôi, với vai trò là Phó giám đốc CATP, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, tôi sẽ có thái độ, hành động rõ ràng, quyết liệt về đấu tranh chống tham nhũng theo tinh thần “không có vùng cấm”. Sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc CATP chỉ đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngoài xã hội và phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng ngay trong lực lượng CATP. Đây là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó trước hết phải xây dựng lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng thực sự trong sạch, có bản lĩnh, ý chí chiến đấu và không thể bị mua chuộc, tiếp tay cho hành vi tham nhũng.
Đồng thời, qua công tác điều tra các vụ án tham nhũng, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, quản lý cán bộ để kiến nghị khắc phục. Ưu tiên thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, ngăn chặn đối tượng tham nhũng bỏ trốn, tẩu tán tài sản.
Tôi sẽ mạnh dạn đề xuất Quốc hội và các cơ quan liên quan nhằm có cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không có điều kiện tham nhũng”…
|
Bình luận (0)