Ngày 9.6, Công an TPHCM cho biết, vừa triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức quy mô lớn do Trần Tiến Thành (35 tuổi, cầm đầu đường dây). Công an xác định các bị can còn làm giả cả giấy đăng ký phương tiện giao thông, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định phương tiện giao thông đường bộ...
Choáng với thu nhập bạc tỉ của đường dây giấy tờ giả ‘khủng’
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm rõ hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" của Thành và đồng phạm gồm: Trần Tiến Đạt (28 tuổi, em trai của Thành), Bùi Phạm Yến Nhi, Bùi Thị Ngọc Hiếu, Lương Triều Vỹ, Lưu Trường Giang, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Hưng, Ngô Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Minh Hải.
Theo CQĐT, Trần Tiến Thành lên mạng xã hội đặt mua bằng lái xe giả. Thành thấy việc làm giả có lợi nhuận nên nảy sinh ý định làm giả các tài liệu để bán kiếm tiền.
Khoảng tháng 12.2022, Thành cùng em trai là Đạt thuê căn hộ chung cư trên đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long B (TP. Thủ Đức) làm nơi cất giữ và đóng gói giấy tờ giả; thuê nhà trên đường 79, phường Phước Long B làm nơi sản xuất giấy tờ giả.
Sau đó, Thành mua các thiết bị phục vụ cho việc làm giả giấy tờ như: máy tính, máy in, máy ép nhựa, máy photocoppy. Thành thuê Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lương Triều Vỹ, Lưu Trường Giang, Bùi Phạm Yến Nhi, Bùi Thị Ngọc Hiếu phụ giúp Thành trong việc làm giả giấy tờ, đóng gói, giao nhận giấy tờ giả.
Thành thỏa thuận và mua của người đàn ông (chưa rõ lai lịch) một bộ file chứa các thông tin, tài liệu như văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng kiểm, sổ tiết kiệm ngân hàng… với giá 15 triệu đồng. Thành cũng chuyển bộ file này cho Nhi lưu trong usb để sử dụng làm giấy tờ giả.
Sẽ làm rõ các đối tượng mua chứng chỉ, chứng nhận giả
Để tìm kiếm khách hàng, Thành đăng tin nhận làm bằng cấp các loại trên mạng xã hội hoặc thông qua những người môi giới để nhận đặt "hàng" làm giấy tờ giả.
Khi "cò" chuyển thông tin về khách đặt làm giấy tờ giả qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Telegram thì Thành sẽ báo cho Nhi để Nhi dùng máy vi tính, lấy file văn bằng tương ứng, chỉnh sửa thông tin của khách hàng, rồi dùng máy in màu để in ra.
Tiếp đến, Thành cùng Xuân, Vỹ, Giang sử dụng mộc dấu nổi đóng lên tài liệu giả, đóng gói. Khi đóng gói, ngoài tài liệu giả còn bỏ thêm áo hoặc ví cầm tay để ngụy trang. Sau đó, các bị can đặt giao hàng qua các ứng dụng để giao cho khách.
Trung bình mỗi ngày Thành cùng đồng bọn làm giả khoảng 20 tài liệu các loại, mỗi tài liệu giả thu về số tiền dao động từ 200.000 - 250.000 đồng.
Tính đến thời điểm bị phát hiện, Thành đã làm được khoảng 6 tháng, bình quân mỗi tháng làm khoảng 600 tài liệu giả các loại, thu lợi bất chính số tiền khoảng 900 triệu đồng.
Theo Công an TP.HCM, các đối tượng đã mua các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả của đường dây này để phục vụ cho công tác, công việc, các hoạt động trái pháp luật cũng sẽ được CQĐT tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 9.6
Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Giám đốc Công an TP.HCM, sự nỗ lực các cán bộ chiến sĩ, đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM, đã triệt phá đường dây sản xuất, vận chuyển giấy tờ giả quy mô lớn, thu giữ nhiều công cụ dùng để sản xuất giấy tờ giả cùng nhiều tang, tài vật; sẽ xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Bình luận (0)