Công an triệu tập 2 nhân viên gác chắn để điều tra vụ lật tàu tại Thanh Hóa

24/05/2018 11:13 GMT+7

Sau khi đâm phải xe tải, đầu máy của tàu hỏa SE19 đã bị đứt gãy, lao xuống ruộng , 6 toa tàu phía sau cũng lần lượt lao ra khỏi đường ray, khiến 2 người chết, 11 người khác bị thương.

Ghi nhận tai hiện trường, nhiều người dân tỏ ra bàng khoàng trước vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng này.
[VIDEO] Tàu hỏa chở hơn 400 hành khách tông trúng xe tải, lật xuống ruộng

Khoảng 30 m đường ray bị hư hỏng phải sửa chữa sau tai nạn Ảnh Minh Hải
Anh Vũ Tiến Toàn (31 tuổi, ngụ tại thôn Minh Lâm, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nhà cách khu vực xảy ra tai nạn gần 1 km, cho biết khi đó cả gia đình anh đang ngủ thì bỗng nghe tiếng rầm rầm rất mạnh nhưng do đêm tối nên anh không biết chuyện gì xảy ra.
“Nhà tôi cách nơi xảy ra tai nạn gần 1 km nhưng vẫn nghe tiếng động mạnh, sau đó mới biết là tai nạn đường sắt. Vùng này có nhiều đơn vị đang khai thác khoáng sản nên cả ngày lẫn đêm, liên tục có nhiều loại xe tải cỡ lớn qua lại chở vật liệu. Hơn nữa, chỉ có 1 con đường chính dẫn vào các mỏ vật liệu nên nếu không quan sát, rất dễ xảy ra tai nạn”, anh Toàn nói.
Bánh tàu hỏa gãy rơi ra ngoài Ảnh Minh Hải
Trao đổi với Thanh Niên, một nam nhân viên ngành đường sắt phục vụ trên tàu SE19 (xin giấu tên), cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, các hành khách trên tàu đều đang nằm ngủ. Các toa tàu chỉ có nhân viên thức trực.
“Tôi đang ở toa cuối thì bỗng dưng nghe tiếng động mạnh, tàu rung chuyển. Nhận biết đã có tai nạn xảy ra nên tôi nhanh chóng cùng nhiều nhân viên ở các toa khác kéo van hãm trên các toa để giảm vận tốc tàu. Sau khi đầu máy tàu đứt rời với đoàn tàu lao xuống ruộng, các toa còn lại theo đà lao về phía trước, nhưng rất may do kéo được van hãm nên vận tốc các toa đã chậm lại, sau đó trật bánh khỏi đường ray và đổ xuống ruộng. Nếu các nhân viên không kịp thời giảm tốc độ các toa, có lẽ hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều”, nhân viên này nói.
Khu vực đầu máy đứt gãy khỏi đoàn tàu Ảnh Minh Hải
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có hơn 400 hành khách, trong đó có khoảng 50 người nước ngoài. Đến 10 giờ ngày 24.5, đã xác định có 2 người chết là lái tàu Nguyễn Thế Hùng (42 tuổi) và 1 lái tàu khác cùng trên toa lái.
Ngoài ra, có 11 người khác bị thương (không có người nước ngoài), gồm: 1 lái xe tải, 6 hành khách và 4 nhân viên đi trên tàu. Hiện tất cả đang được điều trị tại các bệnh viện.
Trước thông tin cho rằng barie không được hạ chắn khi tàu SE19 đi qua, ông Linh cho biết do vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm và cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân, nên chưa thể khẳng định barie thời điểm tàu SE19 đi qua có được hạ hay không.
Hàng chục nhân viên ngành đường sắt được huy động sửa chữa Ảnh Minh Hải
Cũng liên quan đến vụ tai nạn, hiện cơ quan công an đã triệu tập 2 nhân viên gác chắn tại điểm xảy ra tai nạn để phục vụ công tác điều tra.
“Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành liên quan đang chỉ đạo, tập trung lực lượng ưu tiên hàng đầu cho việc cứu chữa người bị nạn, đồng thời, ngành đường sắt cũng huy động hàng chục nhân viên, lao động đến để khắc phục, sửa chữa đoạn đường ray bị hư hỏng. Theo dự kiến, đến 0 giờ ngày 25.5 sẽ thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Barie chắn đường ngang qua đường sắt ở hướng xe tải chạy tới không hư hỏng gì sau vụ tai nạn Ảnh Minh Hải
Như Thanh Niên đã đưa tin, vụ tai nạn đường sắt xảy ra vào lúc 0 giờ 30 sáng 24.5, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua khu gian ga Khoa Trường ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Thời điểm trên, tàu SE19 đang lưu thông hướng Bắc - Nam, khi đến khu gian ga Khoa Trường tại km 234+050 thì đâm vào xe tải chạy ngang qua đường ray.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.