Đây là 2 trong các nội dung phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Công an vừa ký kết vào chiều 25.4.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-TLĐLĐ giữa Bộ Công an và Tổng LĐLĐ Việt Nam, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội giữa lực lượng công an và các cấp công đoàn đã đạt nhiều kết quả quan trọng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác phối hợp.
Các cơ quan, đơn vị thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vụ việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, những vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, công nhân lao động, nhất là thời điểm trước, trong và sau dịch Covid-19, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự; làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi phạm tội trong lĩnh vực lao động, công đoàn; bảo đảm an ninh, an toàn cơ quan, tổ chức công đoàn các cấp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được duy trì, ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để công nhân, viên chức, lao động yên tâm lao động, sản xuất; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ngành, địa phương và đất nước.
Trên cơ sở kết quả phối hợp thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-TLĐLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Công an thống nhất ký quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn mới.
Trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực lao động, công đoàn, phòng chống tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động, bảo đảm an ninh, an toàn các cơ quan công đoàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Bộ Công an, trong 3 năm từ 2019 - 2022, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc liên quan đến "tín dụng đen", gần 5.000 đối tượng; đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi có người bị hại là công nhân.
Các đối tượng tội phạm hoạt động rất tinh vi, lợi dụng núp bóng, tạo vỏ bọc núp bóng của các công ty có chức năng cho vay tài chính, cho vay không thế chấp, huy động vốn kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh. Đối tượng thường xuyên có các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân, cho vay tiền trực tiếp qua app, qua mạng xã hội với lãi suất cao bất thường.
Bình luận (0)