Công an Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ 2021

13/11/2020 16:28 GMT+7

Công an Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.

Chiều 13.11, với 455/455 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết có hiệu lực từ 1.7.2021.
Dự thảo quy định, lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc bao gồm cá nhân, đơn vị và trang bị, vũ khí, phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Các lĩnh vực tham gia bao gồm: tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, công binh, quân y, cảnh sát, kiểm soát quân sự, quan sát viên quân sự, quan sát viên và giám sát bầu cử.
Nghị quyết nêu rõ, về xây dựng lực lượng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp Quốc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có trách nhiệm quy định biên chế, tổ chức đơn vị và tiêu chuẩn lực lượng thuộc thẩm quyền quản lý để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cho cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn và giới tính.
Nghị quyết cũng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định chủ trương cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam.
Nghị quyết cũng quy định nguyên tắc, trường hợp phái bộ có lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia, người chỉ huy cao nhất của lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng là Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam.
Theo tờ trình Chính phủ, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hiệp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và gìn giữ hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của Liên Hiệp Quốc.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (quân số khoảng 320 người).
Về tài chính, với nguồn tiền bồi hoàn của Liên Hiệp Quốc (hơn 4,8 triệu đô la Mỹ) và sự hỗ trợ của quốc tế (hơn 20 triệu đô la Mỹ) đã góp phần giảm đáng kể ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cho biết, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng, như: đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.
Trong thời gian tới, dự kiến thành lập Văn phòng Thường trực về Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiẹp Quốc theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị; hoàn thiện cơ sở pháp lý và phấn đấu cử cán bộ, sĩ quan Công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên Hiệp Quốc từ năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.