Công bằng cho người thi hành công vụ - Kỳ 4: “Nổ súng chỉ là phương cách cuối cùng”

14/03/2013 00:15 GMT+7

Trung tướng Trần Bá Thiều - Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an đã trao đổi với Thanh Niên về vấn đề làm thế nào giữ “uy” cho công an, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Tướng Thiều cho biết qua tổng hợp báo cáo các địa phương từ năm 2000 đến tháng 8.2012, tình trạng chống người thi hành công vụ (THCV) đã khiến 43 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và 2.218 cán bộ, chiến sĩ công an khác bị thương. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 toàn quốc xảy ra 422 vụ, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2011. Địa bàn xảy ra nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…

 

Quan điểm của Bộ Công an trong việc giải quyết tình trạng chống người thi hành công vụ là sử dụng nhiều biện pháp mà súng chỉ là phương cách cuối cùng

Ông đánh giá thế nào về tình trạng chống người THCV trong lực lượng công an thời gian qua?

Do đặc thù nghề nghiệp, tính chất công việc nên lực lượng CAND, trong quá trình làm việc đã gặp phải nhiều vụ chống người THCV. Trong đó, chống lại CSGT thi hành công vụ chiếm khoảng 60% với nhiều hành vi như lăng mạ, mạt sát, giật mũ, số hiệu, lao xe gây thương vong. Các vụ chống cảnh sát hình sự thường do những đối tượng có hành vi phạm tội nghiêm trọng, có tiền án, tiền sự, bị truy nã, khi bị truy bắt những đối tượng này thường chống đối quyết liệt, cả bằng vũ khí nóng... Chống lại cảnh sát kinh tế chủ yếu là các đối tượng có hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, khi bị phát hiện thì chống trả bằng mọi giá, tẩu tán tang vật, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Chống lại lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khi tham gia bảo vệ các phiên tòa là việc la hét, xô đẩy bàn ghế, giật mũ, áo, phù hiệu.

Một dạng khác là khi lực lượng CAND tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, các đối tượng chống đối thường cản trở, thậm chí dùng gạch, đá, gậy gộc tấn công cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Tình trạng này đã và đang gây ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng công an, thưa trung tướng?

Chống người THCV không chỉ gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự của một số cán bộ, chiến sĩ CAND, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh người chiến sĩ CAND, thể hiện sự coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Một trong những nguyên nhân chống người THCV là có nguyên nhân chủ quan từ một số cán bộ chiến sĩ; trung tướng đánh giá việc này ra sao?

Trước hết phải thấy rằng, một số đối tượng phạm tội, muốn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật đã tìm mọi cách chống lại lực lượng CAND khi bị phát hiện, bắt giữ. Một số trường hợp do thiếu hiểu biết về pháp luật, bị lôi kéo, một bộ phận thanh thiếu niên khi vi phạm các quy định của pháp luật bị lực lượng CAND phát hiện xử lý nên đã chống đối... Đồng thời, cũng phải thấy rằng một số cán bộ, chiến sĩ CAND chưa tuân thủ đúng, đầy đủ quy trình, quy chế công tác, thái độ ứng xử với người vi phạm chưa đúng mực. Một số thiếu linh hoạt, bình tĩnh, khả năng thuyết phục chưa cao dẫn đến để người dân hiểu lầm, hiểu sai và quay sang ủng hộ người vi phạm, gây căng thẳng, phản ứng từ phía người dân.

Lực lượng công an ở cơ sở thường xuyên tiếp xúc với dân, tuy nhiên năng lực, trình độ của một bộ phận còn hạn chế, trang bị phương tiện còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong một số trường hợp cụ thể, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, kịp thời, công tác vận động hiệu quả chưa cao nên người thi hành nhiệm vụ còn đơn thương độc mã, nhất là khi giải quyết các vụ tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng.

Công bằng cho người thi hành công vụ
Trung tướng Trần Bá Thiều

Không khuyến khích cán bộ dùng súng

Bộ Công an đang soạn thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV, trong đó quy định công an được nổ súng trực tiếp vào người chống đối. Việc này khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền, khó kiểm soát?

Nghị định này đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến người THCV và Bộ Công an đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện chứ chưa chính thức. Quy định được nổ súng không phải là mới do Bộ Công an tự ý đưa vào mà chỉ làm rõ hơn những quy định đã có trước đây. Việc nổ súng chỉ xảy ra trong những tình huống cấp thiết, có ảnh hưởng đến sinh mệnh của người THCV và của người dân. Trước đối phương hung hãn, mình mà gục ngã thì còn bảo vệ được ai, cho nên tôi ủng hộ biện pháp nổ súng. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét để có những quy định cụ thể hơn như nổ vào đâu để vô hiệu hóa đối phương làm mất khả năng gây thảm họa cho xã hội. Nổ súng không phải để tiêu diệt mà còn khai thác xem xét ý đồ mục đích của người ta. Không phải cán bộ THCV nào cũng được cấp súng, và trước khi nổ súng còn phải giải thích vận động, bắn chỉ thiên… Quan điểm của Bộ Công an trong việc giải quyết tình trạng chống người THCV là sử dụng nhiều biện pháp mà súng chỉ là phương cách cuối cùng. Bộ Công an không khuyến khích cán bộ dùng súng, càng ít sử dụng súng mà công việc đạt hiệu quả thì mới là tốt.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng chống người THCV, cần phải làm gì?

Theo tôi, cần phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, tạo dư luận lên án hành vi chống người THCV và xử lý nghiêm minh.

Đối với lực lượng CAND, cần giáo dục chính trị tư tưởng, trước hết là thái độ và phong cách ứng xử của cán bộ chiến sĩ. Phải thật sự tôn trọng và lễ phép với nhân dân, xử lý các tình huống thật khéo léo, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng. Đồng thời, phải nâng cao nghiệp vụ, sắp xếp những cán bộ có năng lực, có cách ứng xử văn minh ở những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với dân. Nâng cao phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỹ năng phòng chống hành vi chống đối, đặc biệt là kỹ năng tránh thương vong cho dân và cho chính những người THCV.

Thái Sơn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.