Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 4: Chưa tạo được uy tín

01/03/2013 00:25 GMT+7

Ngoài cơ chế và chính sách chưa hợp lý, chính hoạt động kém chất lượng cũng là nguyên nhân khiến trường ngoài công lập không phát triển được.

>> Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 3: Gian nan tìm đất xây trường

Chất lượng ì ạch

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Chất lượng các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khác nhau ở từng trường. Có những trường chất lượng khá tốt, cơ sở vật chất đầy đủ, chương trình có nét đặc biệt để gắn kết đầu ra…, tạo được uy tín. Tuy nhiên, có những trường bản thân chưa tạo được uy tín nên không thu hút được người học”.

Tiến sĩ Nghĩa cho rằng: “Việc trường ngoài công lập chưa thu hút được người học có nguyên nhân quan trọng là chưa chứng tỏ được chất lượng. Đã vậy, mức học phí một số trường quá cao (có trường lên tới 70 triệu đồng/năm), nhưng chưa tương xứng với chất lượng”.

Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 4: Chưa tạo được uy tín 1
Cơ sở học tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn như một kho xưởng, trần phòng học thủng lỗ chỗ. Trường này chưa được cấp phép tuyển sinh trở lại - Ảnh: Đăng Nguyên

Đồng tình với ý kiến trên, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Một số ngành ở một số trường đã khẳng định được thương hiệu và không thua kém các trường công lập. Tuy nhiên phải thừa nhận, trình độ đầu vào của sinh viên các trường này chưa cao, chất lượng đào tạo ở nhiều trường rất thấp”. Ông Tống dẫn chứng: “Do thiếu phòng ốc và giảng viên, nhiều trường sắp xếp lớp học lên tới 200 - 300 sinh viên, dạy dồn giờ, cuốn chiếu chỉ vài tuần là xong một môn học, không có thời gian kiểm tra giữa môn hoặc cho sinh viên làm bài tập”.

 

Nhiều trường được mở dường như chỉ nhằm mục đích kinh doanh giáo dục chứ không phải để phục vụ cho quốc sách hàng đầu. Không ít trường ĐH mới thành lập không có triển vọng của một trường ĐH vì không có giảng viên, thậm chí không có cả trường lớp, chủ yếu đi thuê mướn

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng một trong các nguyên nhân khiến hầu hết trường ĐH, CĐ ngoài công lập  không tuyển đủ sinh viên vì điều kiện vật chất và chất lượng đào tạo thấp. Một số trường công chất lượng thấp cũng trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, một số trường ngoài công lập tốt vẫn tuyển được sinh viên.  

Chỉ lo kinh doanh giáo dục

Bộ GD-ĐT có những tiêu chí cụ thể về diện tích đất tối thiểu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên đối với trường mới thành lập mới hoặc nâng cấp. Thực tế vẫn có những trường được thành lập mà không đáp ứng đủ tiêu chí. Có nhiều trường mặc dù hoạt động nhiều năm nhưng đến nay vẫn không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất. Để hoạt động, các trường này phải thuê mướn trường lớp, thậm chí có những trường thuê tới hơn 10 cơ sở khác nhau. Cơ sở vật chất manh mún, tạm bợ và thiếu thốn khiến việc học tập, nghiên cứu, thực hành của sinh viên gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng thừa nhận thực trạng này khi nhận định: “Nhiều trường được mở dường như chỉ nhằm mục đích kinh doanh giáo dục chứ không phải để phục vụ cho quốc sách hàng đầu. Không ít trường ĐH mới thành lập không có triển vọng của một trường ĐH vì không có giảng viên, thậm chí không có cả trường lớp, chủ yếu đi thuê mướn”. Có người từng làm quản lý trường ngoài công lập thẳng thắn nhận xét: “Một số trường ngoài công lập chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, không chú trọng tái đầu tư. Họ tìm mọi cách để xin nhiều chỉ tiêu, thu học phí cao nhưng số tiền thu về không tập trung xây trường, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy… Việc làm đó thực chất là kinh doanh giáo dục”.

Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 4: Chưa tạo được uy tín 2

Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 4: Chưa tạo được uy tín 3

Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 4: Chưa tạo được uy tín 4

Không chỉ trường lớp thiếu thốn, chất lượng đào tạo yếu kém, giảng viên chắp vá, mâu thuẫn nội bộ ở một số trường ngoài công lập cũng là bức tranh không tốt với dư luận trong thời gian qua. Chính vì vậy mà trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã có quyết định đình chỉ tuyển sinh một số trường, ngành không đủ điều kiện. 

 

Bộ GD-ĐT luôn sẵn sàng tạo cơ chế để cho các trường phát triển nhưng phải đảm bảo yếu tố chất lượng

Bùi Văn Ga Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Phải khẳng định chất lượng trước

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định: “Không hẳn trường ngoài công lập nào cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều trường vẫn tuyển đủ thậm chí là vượt hơn so với chỉ tiêu đăng ký. Qua đó cho thấy, nếu trường nào quan tâm phát triển để nâng cao chất lượng thì thí sinh sẽ tin tưởng nộp đơn vào học. Chính vì thế, để có thể tuyển sinh được, các trường cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng. Bộ GD-ĐT luôn sẵn sàng tạo cơ chế để cho các trường phát triển nhưng phải đảm bảo chất lượng”.

Đồng quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng giải pháp mà trường ngoài công lập đề nghị là được tự do xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh có thể sẽ cứu nguy cho các trường trong một vài năm tới nhưng về lâu dài nếu đào tạo không có chất lượng thì sẽ vẫn trở lại tình trạng khó khăn trong tuyển sinh. Theo ông Thuyết, giải pháp trước mắt mà các trường ngoài công lập nên nghĩ tới là có thể sáp nhập lại với nhau để trở thành những trường lớn, có uy tín. Bên cạnh đó thì phải từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Trước những vấn đề đang đặt ra đối với hệ thống các trường ngoài công lập, tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa cũng khẳng định: “Các bộ, ngành và xã hội nên ủng hộ và tạo cơ chế để tháo gỡ khó khăn của các trường ngoài công lập, giúp hệ thống này phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, bản thân các trường cũng phải nỗ lực để nâng cao chất lượng của mình”.

Các trường ngoài công lập buộc ngừng tuyển sinh năm 2012

Có 7 trường ĐH và CĐ ngoài công lập đã bị đình chỉ tuyển sinh hoàn toàn do tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quá cao, do chưa có đất hoặc diện tích đất quá nhỏ, hoặc nội bộ trường có vấn đề gồm: ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, CĐ Kỹ thuật công nghệ bách khoa, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn. Cũng trong năm 2012, Bộ đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh nhiều ngành học của các trường khác gồm: CĐ Bách nghệ Tây Hà, ĐH Phú Xuân, ĐH Thành Tây…

H.A (tổng hợp)

Hà Ánh - Vũ Thơ

>> Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 3: Gian nan tìm đất xây trường
>> Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 2: Nhập nhằng tư trong công
>> Công bằng cho trường ngoài công lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.