Những đòi hỏi thực tiễn của đô thị đông dân, trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương nhộn nhịp khác với một tỉnh nông thôn, hoặc cùng là thành phố nhưng chắc chắn TP.HCM sẽ khác Hà Nội, Hải Phòng hay Đà Nẵng.
Điển hình như xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của H.Bình Chánh đều vượt 160.000 dân, lớn hơn tiêu chuẩn dân số của một huyện nông thôn (120.000 người) nhưng số biên chế lại chỉ vài chục người. Cảnh công chức làm việc đến tối mò, làm thêm ngày cuối tuần không phải hiếm, thậm chí nghỉ việc, gia đình lục đục, ly hôn (như lời Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) - nơi có hơn 100.000 dân chia sẻ mới đây.
16 quận ở TP.HCM gặp nhiều bất cập sau khi thực hiện chính quyền đô thị |
NHẬT THỊNH |
Hay như câu chuyện thực hiện chính quyền đô thị, 16 quận không còn được giữ khoản kết dư ngân sách để tái đầu tư. Những năm trước, đây là động lực để chính quyền nỗ lực, sáng tạo, tìm tòi giải pháp để tăng thu, giảm chi nhằm có thêm kinh phí mở hẻm, làm cống thoát nước, xây trường, nâng cấp bệnh viện… phục vụ con em trên địa bàn. Nay không còn khoản này, nhiều việc thiết thân đến cuộc sống người dân phải xếp hàng chờ, có khi phải nhiều năm mới đến lượt.
Thực tế trên cho thấy việc áp đặt quy định pháp luật tương đồng cho các địa phương bộc lộ nhiều bất cập, mà nếu không sớm tháo gỡ sẽ gây ra nhiều hệ lụy và đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là người dân. Đành rằng pháp luật có tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhưng cũng cần xét đến yếu tố đặc thù của từng địa bàn.
Phân cấp, phân quyền, phát huy tự chủ và tự chịu trách nhiệm là thông điệp lớn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên nhắc tới trong các buổi làm việc với bộ ngành, địa phương và nhiều hội thảo khoa học. Hơn ai hết, lãnh đạo ở cơ sở, địa phương sẽ hiểu được nhu cầu người dân cần gì, cần phục vụ như thế nào. Những yêu cầu thực tiễn đòi hỏi quy định pháp luật phải có độ mở, tạo dư địa để địa phương phát triển, chứ đừng cào bằng ai cũng như ai.
Bình luận (0)