Công bằng với người làm công ăn lương

19/08/2024 04:07 GMT+7

Đóng góp phần lớn trong tổng số thu thuế thu nhập cá nhân nhưng người làm công ăn lương đang chịu thiệt thòi lớn bởi các quy định lạc hậu, bất hợp lý kéo dài. Đáng lo ngại hơn khi chính sự thiếu công bằng trong nghĩa vụ thuế đang tạo ra các kẽ hở gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Người làm công ăn lương đang đóng thuế cao hơn các doanh nghiệp (DN). Họ đóng theo biểu thuế lũy tiến, bậc cao nhất với người có thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên là 35%, trong khi DN đóng thuế thu nhập DN (TNDN) là 20%. Chưa hết, nếu DN được trừ chi phí, có lợi nhuận mới phải đóng mức thuế suất này thì người làm công chỉ được trừ cho mình 11 triệu đồng và người phụ thuộc 4,6 triệu đồng/tháng. Hệ quả là nhiều cá nhân mở công ty để khấu trừ chi phí, giảm phần lớn số thuế phải nộp. Còn nhớ khoảng 2 thập niên trước, ngành thuế TP.HCM từng công khai danh sách các nghệ sĩ đóng thuế như một sự tôn vinh, nhưng giờ thì không còn. Thế nên đã rất lâu rồi, công chúng không biết được những nghệ sĩ nổi tiếng với cát sê vài trăm triệu một bài hát, bay show từ trong nước ra nước ngoài đóng thuế bao nhiêu.

Người làm công ăn lương cũng đang đóng thuế nhiều hơn cá nhân kinh doanh. Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhưng chỉ duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 - 35%, còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần chỉ từ 0,5 - 5% thuế TNCN và thuế GTGT dao động từ 1 - 5%. Thế nên những người bán hàng online thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng; hàng tỉ đồng mỗi phiên livestream nếu kê khai nghiêm chỉnh thì nghĩa vụ thuế của họ cũng chỉ bằng 1/10 so với người làm công ăn lương nếu cùng mức thu nhập. Chưa kể phân khúc này, nhà thuế chưa quản được.

Nhìn lại suốt bao năm qua, câu "nắm kẻ có tóc" khi nói về thuế TNCN vẫn còn nguyên giá trị. Những người đang làm trong DN hay bất kỳ cơ quan nào, cứ có thu nhập thì bị cơ quan chi trả khấu trừ ngay, với mức thuế cao. Còn những người làm nghề tự do, cá nhân kinh doanh ... có bao nhiêu thu nhập thì cơ quan thuế chưa quản lý được, nên chắc chắn có nhiều trường hợp trốn thuế mà chưa bị xử lý.

Không chỉ thiệt thòi so với DN, cá nhân kinh doanh, người làm công ăn lương còn thiệt thòi bởi sự lạc hậu kéo dài của chính sắc thuế này. Bất chấp giá cả tăng cao, chi phí y tế, giáo dục tăng cao, hóa đơn điện - nước tăng cao... mỗi người nộp thuế bao năm qua chỉ được nuôi con trong số tiền 4,6 triệu đồng/tháng, bản thân họ cũng phải gói gọn trong 11 triệu đồng/tháng. Sự lạc hậu bền bỉ này nói tới nói lui, nói từ Chính phủ ra nghị trường Quốc hội nhưng không ăn thua. Nhà quản lý vẫn đợi thêm khoảng 2 năm nữa mới đến kỳ điều chỉnh sắc thuế này theo đúng... kế hoạch.

Chính sách thuế lạc hậu, thiếu công bằng chính là khởi nguồn cho nhiều chiêu trò né thuế, lách thuế, còn người làm công ăn lương đóng thuế trong sự phiền não. Trong khi thu nhập chưa đủ chi trả cuộc sống, vẫn hằng ngày nơm nớp từng mớ rau cân thịt ngoài chợ tát giá theo lương, tát giá theo xăng mà đóng thuế không trừ khoản nào... thì họ có quyền bức xúc, có quyền so sánh.

Trong diễn biến mới nhất, tăng trưởng tín dụng tháng 7 đã giảm trở lại, bất chấp nỗ lực thúc vốn ra nền kinh tế của ngành ngân hàng. Chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn miệt mài đẩy mạnh chương trình bình ổn giá, tổ chức khuyến mãi tập trung kéo dài để đẩy sức mua, duy trì sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động... Vậy thì thuế còn đợi đến bao giờ mới khoan sức người làm công ăn lương?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.