Công bằng với nước mặn ở ĐBSCL

09/03/2020 17:17 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích đất tự nhiên trên 40.500 cây số vuông với trên 17 triệu người sinh sống là phần hạ du của lưu vực sông Mekong có tổng diện tích lên tới trên 870.000 cây số vuông.

Nhiều năm qua ĐBSCL luôn được quan tâm như một vùng dễ bị tổn thương bởi tác động tiêu cực của lũ và hạn mặn.
Mặn chỉ gây hại nếu sản xuất dựa trên nền nước ngọt 
Nhiều chương trình đầu tư cho các hạ tầng công trình “chống lũ” và “chống hạn mặn” đã đem lại những kết quả nhất định để ĐBSCL thực sự trở thành ‘vựa lúa” của cả nước, góp phần an ninh lương thực và đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, sự phát triển nhiều năm qua chưa thực sự bền vững bởi các giải pháp kỹ thuật còn thiên về ý chí muốn “chế ngự thiên nhiên” hơn là “dựa vào tự nhiên”. Hệ thống kiểm soát nước mặn khu vực gần biển hoạt động để “ngăn mặn” thì dòng thủy triều sẽ đưa mặn trên sông chính vào sâu hơn; nó không chỉ sẽ ảnh hưởng đến vùng sản xuất trên nền ngọt phía trên mà còn có thể làm hệ thống kiểm soát mặn trở thành vô hiệu khi ranh nước mặn vượt qua các cửa lấy nước ngọt của hệ thống.
Theo tinh thần nghị quyết 120/NQ-CP về việc Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng Biến đổi khí hậu cần nhìn nhận ĐBSCL là khu vực có ưu thế nhất cả nước về nguồn nước: hàng năm có tới khoảng 300 tỷ mét khối nước ngọt chảy từ lưu vực sông Mekong vào Việt nam trong số tổng lượng nước trung bình của toàn lưu vực gần 500 tỷ mét khối. Nếu tính nhu cầu dùng nước cho sản xuất nông nghiệp hiện nay thì tổng lượng nước cần thiết trong cả năm cũng chỉ khoảng trên 20 tỷ mét khối. Giả thiết rằng 17 triệu người sử dụng nước sinh hoạt 120 l/người.ngày thì tổng lượng nước cho sinh hoạt cả năm chỉ cần chưa đến 750 triệu mét khối. ĐBSCL còn có nguồn tài nguyên nước mặn mà nhiều địa phương trong cả nước không thể có, đây là một ưu thế, cơ hội hơn là thách thức.
Tiếp cận theo tinh thần nghị quyết 120/NQ-CP, trước hết cũng nên xem xét lại thuật ngữ “xâm nhập mặn” để có thái độ ứng xử công bằng với nước mặn. Theo Wikitionary thì “xâm nhập” là “lọt vào một cách trái phép” và “nhập vào để gây hại”. Nước mặn phân bố trên nhiều khu vực của ĐBSCL như là một đặc trưng tồn tại tự nhiên hơn là xâm nhập vào và nước mặn chỉ gây hại nếu đối với sản xuất tại khu vực đó còn dựa trên nền nước ngọt. Vì vậy việc nghiên cứu sự phân bố tự nhiên của nước mặn theo không gian và thời gian bao gồm tính toán mức độ dao động của sự phân bố đó có xét đến những tác động từ thượng lưu để làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp có ý nghĩa quyết định cho phát triển bền vững.
Hạn mặn khắc nghiệt hơn nhưng thiệt hại thấp hơn
Thực tế hạn mặn năm nay có vẻ khắc nghiệt hơn so với tình hình năm 2016 nhưng thiệt hại quan sát được cho đến thời điểm hiện nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này thuộc về việc điều chỉnh sản xuất nông nghiệp của các địa phương theo hướng thích nghi là chính yếu, các hạ tầng kiểm soát nước mặn chỉ đóng vai trò nhất định mặc dù yêu cầu kinh phí từ ngân sách để xây dựng các công trình kiểm soát nước rất lớn.
Chuyển đổi sinh kế của người dân không chỉ đơn giản là chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm mà còn đòi hỏi sự hỗ trợ của nhà nước để người dân có thể tham gia vào chuỗi giá trị một cách công bằng, hiệu quả.
Sự phân bố không đều nguồn nước ngọt theo thời gian và không gian cũng là thách thức đối với nhu cầu cung cấp nước sinh họat cho người dân, đặc biệt khu vực Bán đảo Cà Mau. Nước ngầm đang bị khai thác quá mức có thể là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng lún sụt đất. Tuy nhiên người dân không thể bị cấm khai thác nước ngầm cho sinh hoạt nếu họ không được cung cấp nguồn nước mặt thay thế. Vì vậy các dự án cấp nước cho sinh họat cần được nhà nước ưu tiên. Một dự án chuyển nước ngọt từ sông Hậu về các khu vực ven biển cũng cần sớm được nghiên cứu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.