Công bố 400 tài liệu, tư liệu quý về tỉnh Bình Định trên không gian mạng

20/08/2023 17:07 GMT+7

Triển lãm trực tuyến Bình Định theo dòng lịch sử sẽ giới thiệu đến công chúng khoảng 400 tài liệu, tư liệu đặc sắc về vùng đất Bình Định từ giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh cho đến nay.

Ngày 20.8, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết UBND tỉnh này sẽ phối hợp với Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) thực hiện triển lãm trực tuyến có chủ đề: Bình Định theo dòng lịch sử.

Theo đó, triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng khoảng 400 tài liệu, tư liệu đặc sắc được lựa chọn từ hàng ngàn trang tài liệu, tư liệu sưu tầm của Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, các bảo tàng thuộc tỉnh Bình Định, các viện nghiên cứu và nguồn tư liệu quý do các cá nhân chia sẻ…

Công bố 400 tài liệu, tư liệu quý về tỉnh Bình Định trên không gian mạng - Ảnh 1.

Quan lại Tây Sơn - tranh vẽ của William Alexander (người tháp tùng phái bộ Huân tước McCartney trong lần viếng thăm cung điện vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân năm 1793).

Theo Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn của tác giả George Dutton, Lê Nguyễn dịch và giới thiệu

Thời gian triển lãm bắt đầu từ 8 giờ ngày 28.8 trên website Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (https://archives.org.vn), fanpage Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (https://facebook.com/luutruquocgia1), website Sở Nội vụ tỉnh Bình Định (snv.binhdinh.gov.vn) và website Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (ttltls.snv.binhdinh.gov.vn).

Triển lãm được chia làm 3 phần, giúp người xem khám phá vùng đất Bình Định theo dòng lịch sử từ cội nguồn đến ngày nay.

Phần 1 có chủ đề Từ cội nguồn văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa. Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam (cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai). Nhiều khu mộ chum và các di tích liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện tại Bình Định, dần hé lộ cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh (hình thành từ cách đây khoảng 3.000 năm) trên vùng đất này.

Bình Định là vùng đất gắn liền với lịch sử của vương quốc Chămpa dưới thời Vijaya (999 - 1471). Đây từng là kinh kỳ, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc Chămpa. Hệ thống di sản văn hóa Chămpa ở Bình Định phong phú, đa dạng và độc đáo, gồm: thành lũy, đền tháp, điêu khắc, cảng thị và các khu sản xuất gốm.

Phần 2 có chủ đề Từ phủ Hoài Nhơn đến trọng địa phía nam kinh thành. Phần này có 2 tiểu phần, gồm: Hào khí Tây SơnTrọng địa phía nam.

Trong đó, tiểu phần Hào khí Tây Sơn giới thiệu các tư liệu, tài liệu về phong trào nông dân Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Công bố 400 tài liệu, tư liệu quý về tỉnh Bình Định trên không gian mạng - Ảnh 2.

Lính Tây Sơn - Tranh vẽ của William Alexander

Theo Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn của tác giả George Dutton, Lê Nguyễn dịch và giới thiệu

Tiểu phần Trọng địa phía nam gồm khối tài liệu lưu trữ đồ sộ được bảo quản tại các lưu trữ quốc gia, đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn… Phần này giới thiệu diện mạo của vùng đất Bình Định trong khoảng 500 năm, kể từ khi vua Lê Thánh Tông sáp nhập vùng đất Chiêm Thành vào cương thổ Đại Việt (1471) đến khi trở thành trọng địa phía nam kinh thành Huế của triều Nguyễn (1802 - 1945).

Phần 3 có chủ đề Từ mảnh đất "thành đồng" duyên hải Nam Trung bộ đến điểm sáng hội nhập, phát triển. Phần này giới thiệu các tài liệu, tư liệu về vùng đất Bình Định trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Bình Định trong giai đoạn hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.